Thứ trưởng Bộ Khoa học: Đổi mới công nghệ vẫn chưa thành hoạt động phổ biến

(Dân trí) - Chiều 25/11,  tại Thành phố Pleiku – Gia Lai, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Gia Lai, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức diễn đàn đối thoại doanh nghiệp và đổi mới công nghệ 2019 với chủ đề “Công nghệ phục vụ phát triển bền vững”.

Tham dự diễn đàn đối thoại này có ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai; Lãnh đạo VCCI, ban, bộ, ngành trung ương và địa phương.

Thứ trưởng Bộ Khoa học: Đổi mới công nghệ vẫn chưa thành hoạt động phổ biến - 1

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng. 

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định, đổi mới công nghệ có vai trò ngày càng quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 đang có tác động ngày một sâu rộng. Trong thời gian qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Các chính sách này được triển khai thông qua các công cụ thuế; các chương trình hỗ trợ cụ thể và các giải pháp  tài chính như: trích lập Quỹ KH&CN, hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp và bảo lãnh tín dụng cho các khoản vay  phục vụ đổi mới công nghệ…Trong đó, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 đã được phê duyệt từ năm 2011 là một trong các giải pháp hiệu quả do Bộ KH&CN triển khai.

“Với các chính sách, giải pháp từ cơ quan quản lý nhà nước cùng với sự quyết tâm, nỗ lực từ phía doanh nghiệp, trong thời gian vừa qua chúng ta đã thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp phát triển và lớn mạnh  trên cơ sở đổi mới công nghệ.

Tuy nhiên, hoạt động đổi mới công nghệ vẫn chưa thành hoạt động phổ biến, đặc biệt là tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nhiều nguyên nhân khác nhau như: nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của công nghệ còn chưa đầy đủ; các công nghệ đang sử dụng có tuổi đời lớn; thiếu nguồn lực cho đổi mới công nghệ; thiếu thông tin về các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước…”, Thứ trưởng Tùng nói.

Thứ trưởng Tùng cũng đặt ra vấn đề quản lý của nhà nước đối với một số mô hình đổi mới công nghệ mới như Uber, Grab…Và ông hi vọng qua diễn đàn đối thoại doanh nghiệp và đổi mới công nghệ 2019 với chủ đề “Công nghệ phục vụ phát triển bền vững” sẽ có một cuộc thảo luận sôi nổi để từ đó đưa ra những tham vấn, góp ý điều chỉnh cơ chế chính sách phù hợp với xu hướng hiện tại và trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ Khoa học: Đổi mới công nghệ vẫn chưa thành hoạt động phổ biến - 2

Các diễn giả trong nước và quốc tế thảo luận sôi nổi ở phiên thảo luận. 

 Sự gợi mở của Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã tạo ra các cuộc thảo luận sôi nổi ở phiên thảo luận “Cập nhật xu hướng và nhu cầu công nghệ phục vụ phát triển bền vững” và phiên thảo luận “Chính sách và nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ” với sự tham gia của các diễn giả là Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương; Lãnh đạo Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam; Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai; PGS.TS Dương Minh Hải – Đại học Quốc gia Singapore; TS Alexander Redeker – Giám đốc Điều hành Aone Deutschland AG (Cộng hòa Liên bang Đức); ông Thái Như Hiệp – Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp; ông Phan Thanh Thiên – Tổng giám đốc Trường Sinh Group…

Thứ trưởng Bộ Khoa học: Đổi mới công nghệ vẫn chưa thành hoạt động phổ biến - 3

Thứ trưởng Trần Văn Tùng và Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn chăm chú lắng nghe các ý kiến thảo luận. 

Theo ý kiến của các chuyên gia tham gia thảo luận thì cần có cơ chế để các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Việt Nam là nước đi sau, đang phát triển cần phải lựa chọn các công nghệ phù hợp với mỗi địa phương và với doanh nghiệp của mình. Việt Nam cần chú ý xu hướng phát triển nền kinh tế tuần hoàn, phát triển ngành chế biến phụ phẩm, tạo giá trị gia tăng.

Việt Nam cũng cần phải dùng công nghệ để để thực hiện vừa phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững, bảo vệ môi trường, dựa trên chính tài nguyên của chúng ta, của các địa phương, kể các rác thải cũng được coi là nguồn tài nguyên của chúng ta. Cần có sự liên kết chặt chẽ từ các nhà khoa học, doanh nghiệp với các cơ chế do nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành trong việc đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp kể cả các đối tượng trong và ngoài nước.

Kết luận sau hai phiên thảo luận sôi nổi này, Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định, về phía Bộ KH&CN sẽ cùng với các bộ, ban, ngành đang coi doanh nghiệp là trung tâm và hỗ trợ để doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Đề nghị các doanh nghiệp phối hợp, tham gia vào các chương trình đổi mới công nghệ của Bộ đang triển khai.

“Diễn đàn hôm nay là cơ hội để kết nối doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, các trường đại học,với các nhà công nghệ ở trong và ngoài nước. Chúng tôi hi vọng trong thời gian tới chúng ta tận dụng tốt cơ hội để nhận chuyển giao công nghệ phù hợp với Việt Nam để phát triển bền vững”, Thứ trưởng Tùng nói.

Nguyễn Hùng