Thời gian bị béo phì càng lâu, nguy cơ bị tổn thương tim càng cao
(Dân trí) - Kết quả một nghiên cứu mới của ĐH John Hopkin chỉ ra rằng một người có thời gian béo phì càng lâu thì nguy cơ bị tổn thương tim âm thầm càng cao, có nghĩa là số năm bị thừa cân, béo phì có liên quan tới nguy cơ tổn thương tim.
Theo kết quả nghiên cứu này, cứ tăng 10 năm bị béo phì, nguy cơ có hàm lượng troponin, một loại protein liên quan tới tổn thương tim lại tăng 1,25 lần, thậm chí sau khi đã tính đến nguy cơ bệnh tim do huyết áp cao, tiểu đường và bệnh thận. Troponin được giải phóng khi cơ tim bị tổn thương. Tim càng bị tổn thương sẽ càng có nhiều troponin trong máu. Do vậy, duy trì cân nặng lành mạnh trong cuộc sống có liên quan tới sức khỏe của tim và giảm thiểu tổn thương khi về già.
Chiadi Ndumele, trợ lý giáo sư tại Đại học Johns Hopkins cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng trọng lượng của người từ 25 tuổi trở lên liên quan đến nguy cơ tổn thương tim (được đo bằng mức độ protein troponin) cao hơn hoặc thấp hơn sau này, điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát trọng lượng cơ thể lâu dài để giảm nguy cơ bệnh tim”.
"Nghiên cứu cho thấy ngay cả khi không có các yếu tố nguy cơ bệnh tim như huyết áp cao, bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận, số năm bị béo phì hay thừa cân cũng vẫn góp phần làm tăng nguy cơ bị tổn thương tim", Ndumele nói thêm.
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Clinical Chemistry, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra 9.062 người tham gia, bốn lần trong khoảng thời gian 10-11 năm. Những người bị tăng chỉ số khối cơ thể (BMI) lên mức thừa cân và béo phì ở lần khám thứ tư có khả năng tăng hàm lượng troponin ít nhất nghĩa là nguy cơ bị tổn thương tim thấp nhất so với những người bị thừa cân, béo phì từ những lần khám đầu.
Nguyễn Hà
Theo THS