Thổ Nhĩ Kỳ tìm thấy "kho báu" quý hơn vàng, dùng 1.000 năm không hết
(Dân trí) - Thổ Nhĩ Kỳ vừa tìm thấy mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn thứ 2 trên thế giới, và có thể giúp quốc gia này thu về hàng tỷ USD.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ vừa đưa ra thông báo đã tìm thấy một mỏ đất hiếm với trữ lượng ước tính khoảng 694 triệu tấn, nằm ở tỉnh Esksehir. Theo ước tính, trữ lượng đất hiếm này đủ cho nhân loại dùng trong 1.000 năm và giúp Thổ Nhĩ Kỳ thu về hàng tỷ USD.
Được biết, mỏ đất hiếm này chứa 17 nguyên tố đất khác nhau, được ghi nhận là khu dự trữ lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau mỏ đất hiếm với trữ lượng 800 triệu tấn của Trung Quốc.
Tổng thống Erdogan đưa thông báo rằng một cơ sở sản xuất có năng lực chế biến 1200 tấn quặng hàng năm sẽ được gấp rút thành lập trong giai đoạn đầu tại Esksehir, nhằm khai thác nguồn đất hiếm này.
"Mục tiêu của chúng tôi là chế biến 570 nghìn tấn quặng mỗi năm khi cơ sở này đạt hết công suất, trong đó bao gồm 10 nghìn tấn oxit đất hiếm, 72 nghìn tấn barit, 70 nghìn tấn fluorit và 250 tấn thori", ông Erdogan cho biết.
Ông Fatih Dönmez, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên xác nhận rằng mỏ đất hiếm này rất gần bề mặt, nên việc khai thác các nguyên tố sẽ ít tốn kém hơn. "Trong số 17 nguyên tố hiếm đã biết, chúng tôi có đủ năng lực sản xuất ít nhất 10 nguyên tố tại đây," ông nói.
Trước đó vào năm 2017, Nhật Bản cũng từng phát hiện trữ lượng lớn đất hiếm nằm ngoài khơi đảo Minamitori. Tại đây, ước tính có tới 16 triệu tấn đất hiếm, nằm ở phần lõi sâu 10 mét trong trầm tích dưới đáy biển. Số lượng đất hiếm này nằm trên diện tích khoảng 2500km2.
Một số thống kê từ Global Times cho thấy trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc dẫn đầu thế giới, chiếm khoảng 37% trữ lượng toàn cầu. Kế đến là Việt Nam, Brazil và Nga lần lượt chiếm 18,33%, 17,5% và 17,5% trữ lượng toàn cầu.
Đất hiếm quan trọng thế nào?
Đất hiếm có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp do chúng chứa 17 nguyên tố, gồm: Cerium (Ce); Dysprosium (Dy); Erbium (Er); Europium (Eu); Gadolinium (Gd); Holmium (Ho); Lanthanum (La); Lutetium (Lu); Neodymium (Nd); Praseodymium (Pr); Promethium (Pm); Samarium (Sm); Scandium (Sc); Terbium (Tb); Thulium (Tm); Ytterbium (Yb) và cuối cùng là Yttrium (Y).
Trong số đó, Promethium là nguyên tố cực hiếm, vì ước tính chỉ có vỏn vẹn 570g trong toàn bộ lớp vỏ Trái Đất.
Theo CNBC, các nguyên liệu thô trong đất hiếm sẽ được dùng rộng rãi trong ngành sản xuất điện thoại di động, động cơ xe hơi (gồm cả xe xăng và xe điện), pin mặt trời, thiết bị trong ngành vũ trụ, và thậm chí là cả vũ khí tân tiến.
Hồi cuối thế kỷ 20, Mỹ từng là nhà cung cấp đất hiếm số 1 thế giới. Song, do việc khai thác ngày càng trở nên khó khăn, Mỹ không muốn gây ra những rủi ro với môi trường nên đã dần loại bỏ ngành công nghiệp khai thác đất hiếm.
Tuy nhiên sang thế kỷ 21, Trung Quốc đã nổi lên với lợi thế trong chuỗi công nghiệp đất hiếm toàn cầu dựa trên nhiều năm nỗ lực không ngừng để phát triển công nghệ chế biến, đồng thời tích lũy kinh nghiệm nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ ngành công nghiệp này.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, cho rằng nguyên nhân khiến chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu chủ yếu dựa vào Trung Quốc là do quốc gia này đã hình thành một chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh và có năng lực chế biến đất hiếm với chi phí thấp và ít ô nhiễm.