Thiên thạch tiết lộ về hoạt động núi lửa diễn ra 2 tỷ năm trên sao Hỏa
(Dân trí) - Hầu hết những gì các nhà khoa học biết về núi lửa và sao Hỏa là thông tin thu được từ các thiên thạch sao Hỏa được tìm thấy trên Trái đất
Một mẫu thiên thạch sao Hỏa mới được phân tích – có tên là Northwest Africa 7635 – cho thấy Hành tinh Đỏ có thể đã có hoạt động núi lửa diễn ra trong ít nhất 2 tỷ năm.
Sao Hỏa có thể là ngôi nhà của một số núi lửa già cỗi nhất trong hệ mặt trời. Bằng chứng mới cho thấy Hành tinh Đỏ từng là nơi diễn ra hoạt động núi lửa trong ít nhất 2 tỷ năm.
Bằng chứng này là một mảnh nhỏ thiên thạch sao Hỏa được tìm thấy ở châu Phi năm 2012. Hòn đá này được đặt tên là Northwest Africa 7635.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu các thiên thạch sao Hỏa trong nhiều năm qua. Hầu hết chúng chỉ đến Trái đất từ khoảng 1 triệu năm trước – khi có một vật thể lớn va chạm với sao Hỏa và làm một lượng đáng kể đá – phần lớn từ núi lửa – bị đánh bật ra.
Các nhà nghiên cứu phân tích Northwest Africa 7635 đã xác định nó là shergottite – một dạng đá núi lửa. Họ cũng ước tính rằng nó đã được tôi luyện từ khoảng 2,4 tỷ năm trước.
Trước đây, các nhà khoa học đã tìm thấy 11 thiên thạch sao Hỏa khác với các thành phần hóa học tương tự. Các mảnh vỡ đều được tìm thấy ở cùng một lớp địa tầng của Trái đất, cho thấy chúng bị bắn ra khỏi sao Hỏa và rơi xuống Trái đất ở cùng một thời điểm.
Nhà nghiên cứu Tom Lapen – giáo sư địa chất tại Đại học Houston - cho biết ”chúng đều đến từ cùng một nguồn núi lửa tương tự nhau. Điều này cho thấy chúng bị bắn ra ở cùng một thời điểm, và chúng ta có thể kết luận rằng chúng đến từ cùng một địa điểm trên sao Hỏa”.
Anh Thư (Tổng hợp)