Thiên thạch bí ẩn hé lộ vật thể không xác định trong Hệ Mặt trời sơ khai

Trang Phạm

(Dân trí) - Vào năm 2008, một thứ độc nhất vô nhị rơi xuống bầu trời Sudan, phát nổ thành những mảnh vỡ khắp một vùng rộng lớn, khô cằn của sa mạc Nubian.

Thiên thạch bí ẩn hé lộ vật thể không xác định trong Hệ Mặt trời sơ khai - 1
Mảnh vỡ thiên thạch AhS 202.

Vật thể có thể được nhìn từ trên cao này được gọi là Almahata Sitta với khoảng 600 mảnh thiên thạch vỡ được các nhà nghiên cứu thu hồi rất cẩn thận.

Điều độc đáo về Almahata Sitta là nó đại diện cho một điều chưa từng có trong thiên văn học: Lần đầu tiên một vụ va chạm với tiểu hành tinh đã được các nhà khoa học dự đoán trước thành công.

Các mảnh vụn của tiểu hành tinh được gọi là 2008 TC3 đã được các nhà nghiên cứu phân tích, tìm kiếm manh mối hóa học.

Mới đây, một nghiên cứu mới đã làm sáng tỏ những bí ẩn của thiên thạch này. Bằng cách nghiên cứu các mảnh vụn, nó có thể cho chúng ta biết về 2008 TC3, từ đó có thể cho chúng ta biết bản thân TC3 2008 đến từ đâu.

"Kết quả đáng ngạc nhiên của chúng tôi cho thấy sự tồn tại của một thiên thể mẹ to lớn, giàu nước", nhà địa chất hành tinh Vicky Hamilton thuộc Viện Nghiên cứu Tây Nam ở Boulder, Colorado cho biết.

Trong công trình mới, Hamilton và các nhà nghiên cứu đồng nghiệp chỉ phân tích những mảnh vụn nhỏ nhất của tảng đá không gian đáng chú ý này.

"Chúng tôi có một mẫu Almahata Sitta 50 miligram để nghiên cứu. Chúng tôi đã gắn và đánh bóng mảnh vỡ nhỏ, sử dụng kính hiển vi hồng ngoại để kiểm tra thành phần của nó", Hamilton giải thích.

Việc phân tích quang phổ tiết lộ điều mà các nhà khoa học không mong đợi tìm ra. Bên trong mảnh vỡ - một mảnh có tên AhS 202 - là một dạng tinh thể ngậm nước cực kỳ hiếm đã được tìm thấy, được gọi là amphibole.

Loại khoáng chất này đòi hỏi phải có nhiệt độ và áp suất cực cao kéo dài để hình thành, một loại không thường được cho là có thể có trong các thiên thạch chondrite có chứa cacbon (CC).

Kết quả cho thấy rằng 2008 TC3 rất có thể đã từng thuộc về một thiên thể lớn hơn rất nhiều - trên thực tế là một thứ gì đó lớn đến mức gần như cùng lớp với Ceres - hành tinh lùn, đại diện cho vật thể lớn nhất được biết đến trong Hệ Mặt trời, ở giữa quỹ đạo của Sao Hỏa và Sao Mộc.

"Hầu hết các thiên thể gốc CC được cho là có đường kính dưới 100 km, do đó sẽ không đủ lớn để tạo ra phạm vi điều kiện áp suất và nhiệt độ được đại diện bởi tập hợp khoáng chất trong AhS 202. Theo cách hiểu của chúng tôi vật thể mẹ ban đầu của AhS 202 có lẽ là một vật thể chưa được biết, có khả năng có kích thước cỡ Ceres (đường kính khoảng 640-1.800 km trong các điều kiện khả dĩ nhất", các tác giả giải thích thêm.

Trong khi tiểu hành tinh bí ẩn, khổng lồ này được cho là không còn tồn tại, thực tế là nó đã từng tồn tại trong Hệ Mặt trời của chúng ta cho thấy nhiều loại hành tinh giống như vậy có khả năng làm được điều tương tự.

Giống như cách mà các tiểu hành tinh Ryugu và Bennu đang tiết lộ một số điều bất ngờ về thành phần khác với hầu hết các thiên thạch đã biết, các mảnh vụn đa dạng của 2008 TC3 chứng minh rằng có nhiều đá không gian hơn những giả thuyết hiện tại có thể giải thích đầy đủ.

"AhS 202 là một nguồn thông tin tình cờ về các vật liệu ban đầu của Hệ Mặt trời không được đại diện bởi toàn bộ thiên thạch trong bộ sưu tập của chúng tôi. Sự khác biệt giữa khoáng vật học của nó và của các thiên thạch CC đã biết cho thấy rằng các mẫu độc nhất như AhS 202 có thể là những liên kết quan trọng còn thiếu trong hiểu biết của chúng ta về sự đa dạng của các tiểu hành tinh mẹ", các nhà nghiên cứu kết luận.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm