1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Thế giới năm 2023: Cứ 23 người thì có một người cần viện trợ nhân đạo

Nam Đoàn

(Dân trí) - Thế giới đang phải đối mặt với nhu cầu nhân đạo tăng cao do xung đột ở Ukraine và tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến nạn đói như ở châu Phi.

Thế giới năm 2023: Cứ 23 người thì có một người cần viện trợ nhân đạo - 1
Một người phụ nữ bế đứa con bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng trong một trại của những người di cư Somalia (Ảnh: UN Photo).

Ngày 1/12, Liên Hợp Quốc đã đưa ra lời kêu gọi kỷ lục về các quỹ nhân đạo cho năm 2023. Các cơ quan nhân đạo của Liên Hợp Quốc đã đưa ra yêu cầu 51,5 tỷ USD vào năm tới, nhằm cho phép họ tài trợ cho các chương trình của mình để giúp 230 triệu người dễ bị tổn thương nhất ở 68 quốc gia. 

Người đứng đầu cơ quan nhân đạo Liên Hợp Quốc, Martin Griffiths chia sẻ với báo giới "Trong năm tới sẽ là chương trình nhân đạo lớn nhất từng được triển khai ở cấp độ toàn cầu".

Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc không giúp đỡ tất cả những người gặp khó khăn.

Nguyên nhân được tổ chức này đưa ra do, tổng cộng có 339 triệu người trên khắp thế giới - tương đương 1 trong 23 người trên toàn thế giới sẽ cần viện trợ khẩn cấp vào năm tới, so với 274 triệu vào năm 2022.

Hạn hán và lũ lụt chết người

Những đợt nắng nóng trên thế giới trong mùa hè vừa qua đã gây hạn hán, hỏa hoạn ở châu Âu, Trung Quốc và Mỹ hay lũ lụt ở Pakistan,... đi cùng với đó là số người thương vong không hề nhỏ, lên đến cả nghìn người. 

Đặc biệt tại hai quốc gia Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đã ghi nhận hơn 2.000 người chết do làn sóng nhiệt xảy ra vào tháng 7.

Thế giới năm 2023: Cứ 23 người thì có một người cần viện trợ nhân đạo - 2

Các nhân viên cứu hộ giúp dân làng thoát khỏi lũ lụt ở Lasbella, thuộc tỉnh Baluchistan, Tây Nam của Pakistan (Ảnh: AP).

"Hạn hán và lũ lụt chết người đang tàn phá từ Pakistan đến châu Phi. Cùng với cuộc xung đột ở Ukraine đã biến một phần châu Âu thành chiến trường. Hơn 100 triệu người phải di dời nơi ở của mình và sự tàn phá mà đại dịch đã gây ra cho những người nghèo nhất trên thế giới", ông Griffiths cho biết.

Lời kêu gọi tài trợ do Liên Hợp Quốc đưa ra thực sự vẽ nên một bức tranh ảm đạm về thế giới trong năm nay. Ít nhất 222 triệu người ở 53 quốc gia sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh, lương thực nghiêm trọng vào cuối năm 2022 và 45 triệu người ở 37 quốc gia có nguy cơ chết vì đói.

Jens Laerke, phát ngôn viên của Văn phòng Điều phối Nhân đạo Liên Hợp Quốc chia sẻ với tờ AFP: "Năm quốc gia có thể phải đối mặt với nạn đói và cần viện trợ như Afghanistan, Ethiopia, Haiti, Somalia và Nam Sudan".

Ngoài ra, vấn đề sức khỏe cộng đồng cũng đang phải chịu áp lực lớn trên thế giới, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 và bệnh đậu mùa khỉ vẫn đang làm ảnh hưởng lớn đến người dân, sự xuất hiện trở lại của virus Ebola ở quốc gia Uganda và sự hiện diện của nhiều dịch tả trên khắp thế giới, đáng chú ý tại hai đất nước Syria và Haiti.

Sự nóng lên toàn cầu 

Tất cả điều này xảy ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu, điều này chỉ làm tăng rủi ro và sự tổn thương ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở các nước nghèo. 

Theo Liên Hợp Quốc, vào cuối thế kỷ này, nhiệt độ cực cao có thể gây ra nhiều nạn nhân như ung thư.

Đồng thời, khoảng cách tài trợ chưa bao giờ lớn hơn thế, buộc các tổ chức nhân đạo phải đưa ra lựa chọn "đáng buồn" là nhắm mục tiêu vào những người dân có thể được hưởng lợi từ sự giúp đỡ. 

Quốc gia mà Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ hỗ trợ kinh phí lớn nhất trong năm tới là Afghanistan (4,63 tỷ USD), tiếp theo là Syria, Yemen và Ukraine và Ethiopia.