1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Thành công hồi sinh não lợn đã chết gần 1 giờ

Minh Khôi

(Dân trí) - Bước tiến mở ra hướng nghiên cứu mới về chấn thương não và hy vọng có thể cải thiện tỷ lệ sống sót, hồi phục cho bệnh nhân chết não trong tương lai.

Thành công hồi sinh não lợn đã chết gần 1 giờ - 1

Các nhà nghiên cứu thành công "hồi sinh" não lợn đã chết gần 1 giờ (Ảnh minh họa: Getty).

Các nhà khoa học Trung Quốc đã đạt được một thành tựu đáng kinh ngạc khi phục hồi chức năng não của một con lợn sau khi hệ tuần hoàn của nó đã ngừng gần 1 giờ trước đó.

Theo giới chuyên môn, đây là một bước tiến lớn trong việc tìm ra cách phục hồi chức năng não của bệnh nhân sau khi ngừng tim đột ngột.

Để thực hiện điều này, các nhà nghiên cứu ban đầu sử dụng một hệ thống hỗ trợ sự sống bao gồm một trái tim và phổi nhân tạo để giúp bơm chất lỏng qua não. Tuy nhiên, nỗ lực này đã không thành công.

Sau đó, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm bằng cách đưa một lá gan không bị tổn thương vào hệ thống hỗ trợ sự sống. Lá gan này đóng vai trò cốt lõi trong việc thanh lọc máu, từ đó dần hồi sinh lại bộ não lợn đã chết.

Nhóm nghiên cứu cũng thử nghiệm với các độ trễ khác nhau, bao gồm kết nối não với hệ thống hỗ trợ gan theo các khoảng thời gian lần lượt là 30 phút, 50 phút, 60 phút và 240 phút.

Khoảng thời gian lâu nhất cho thấy triển vọng là 50 phút sau khi não bị ngưng hỗ trợ sự sống. Ở khoảng thời gian này, não vẫn còn có thể "khởi động lại" và duy trì trong trạng thái đó khoảng 6 giờ, khi thí nghiệm kết thúc.

Tuy nhiên, chỉ cần gia tăng thời gian bên ngoài thêm 10 phút, hệ thống não lợn sẽ gặp những thương tổn nghiêm trọng và chỉ có thể duy trì trong khoảng thời gian 3 tiếng đồng hồ sau khi đưa vào hệ thống phục hồi.

Các nhà nghiên cứu cho biết, kết quả này cho thấy gan đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển chấn thương não sau khi ngừng tim.

Những phát hiện này gợi ý những hướng nghiên cứu mới về chấn thương não và hy vọng có thể cải thiện tỷ lệ sống sót và kết quả phục hồi cho bệnh nhân trong tương lai.

Theo www.sciencealert.com