Thảm thực vật của trái đất đã thay đổi từ thập niên 80
(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Otago đã phát triển một hệ thống mới để lập bản đồ và theo dõi sự biến đổi của quần xã sinh vật trên Trái đất hay quần hệ thực vật trên quy mô lớn, bao gồm đồng cỏ, rừng nhiệt đới, rừng phương bắc, sa mạc và vùng cây bụi.
Hệ thống bản đồ mới sẽ cho phép các nhà khoa học theo dõi chính xác hơn cách các quần xã sinh vật ứng phó với nóng lên toàn cầu. Một hệ thống vệ tinh đang được sử dụng để theo dõi 24 phân loại quần xã sinh vật khác nhau. Trong mỗi quần xã sinh vật, hoạt động của thảm thực vật, nhiệt độ và độ ẩm của đất sẽ được đo đạc thường xuyên.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng hệ thống mới để phân tích những thay đổi của quần xã sinh vật trong ba thập kỷ qua. Kể từ những năm 1980, 13% quần hệ thực vật của Trái đất đã thay đổi.
Theo Steven Higgins, nhà nghiên cứu thực vật và là trưởng nhóm nghiên cứu, điều này cho thấy những thay đổi lớn của bề mặt Trái đất đang diễn ra, chẳng hạn như những vạt cỏ ở Nambia và miền Bắc Ôxtrâylia đang chuyển đổi thành các loại quần xã sinh vật khô hơn.
Mặc dù một số nơi trên Trái đất có sự mở rộng của sa mạc, nhưng các nơi khác lại đang trở nên xanh hơn. Một nghiên cứu gần đây đã xác định mối liên hệ giữa CO2 tăng cao và nóng lên tại Địa Trung Hải với việc phủ xanh các vùng đất khô cằn ở miền Bắc Trung Phi.
Nghiên cứu mới đây không xác định cụ thể mối liên hệ giữa những thay đổi của quần xã sinh vật với biến đổi khí hậu, nhưng Higgins cho rằng hệ thống bản đồ này có giá trị đối với các nhà khoa học khí hậu.
"Hệ thống của chúng tôi cung cấp một phương pháp mang tính khách quan để phân loại mặt đất, đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc theo dõi sự thay đổi mà còn so sánh hành vi của các hệ sinh thái ở nhiều nơi trên thế giới”, Higgins cho biết. "Những so sánh này rất cần thiết để tìm hiểu các yếu tố tác động đến động lực hệ sinh thái và cách các hệ sinh thái có thể phản ứng với sự thay đổi".
N.P.D-NASATI (Theo Upi)