Tên lửa mới của NASA sẵn sàng cho sứ mệnh trở lại Mặt Trăng

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Tên lửa SLS khổng lồ mới của Mỹ đã sẵn sàng cho nhiệm vụ vĩ đại có tên gọi là Artemis.

Tên lửa mới của NASA sẵn sàng cho sứ mệnh trở lại Mặt Trăng - 1
Tên lửa SLS của NASA, với tàu vũ trụ Orion ở trên, được đặt tại bệ phóng 39B ở Cape Canaveral, Florida, trước khi cất cánh cho sứ mệnh Artemis 1 lên Mặt Trăng

Ngày trọng đại đang đến gần đối với NASA, tên lửa SLS khổng lồ mới của Mỹ đã đến bệ phóng ngày 17/8 tại bãi phóng Cape Canaveral ở Florida, trước khi cất cánh lên Mặt Trăng dự kiến sau 12 ngày. 

Nhiệm vụ này sẽ đánh dấu chuyến bay đầu tiên trong chương trình quay trở lại Mặt Trăng vĩ đại của Mỹ - được gọi là Artemis, đồng thời còn là tiền đề để NASA thực hiện một nhiệm vụ quan trọng khác: biến Mặt Trăng thành hậu phương để chinh phục sao Hỏa.

Artemis 1 sẽ được thực hiện mà không có phi hành gia trên tàu: mục tiêu của nó là thử nghiệm tên lửa và tàu vũ trụ Orion được đặt trên đỉnh của nó để đảm bảo rằng, nó có thể vận chuyển phi hành đoàn lên Mặt trăng một cách an toàn, từ năm 2024. 

Tên lửa mới được gọi là SLS đã được phát triển hơn một thập kỷ và sẽ trở thành tên lửa mạnh mẽ nhất trên thế giới với chiều cao cao 98 mét. 

Nhiệm vụ 42 ngày cho SLS

Giám đốc điều hành của NASA, ông Bill Nelson chia sẻ trong buổi họp báo: "Đối với tất cả chúng ta đang nhìn lên Mặt Trăng, mơ về ngày loài người quay trở lại hành tinh này và giờ đây chúng ta lại tiếp tục". 

Tàu vũ trụ Orion đặt trên tên lửa SLS sẽ được đẩy lên Mặt Trăng và thậm chí vượt xa hơn 64.000 km, bay xa hơn bất kỳ tàu vũ trụ nào có thể sinh sống được trước đó. 

Khi quay trở lại bầu khí quyển của Trái Đất, lá chắn nhiệt của con tàu sẽ phải chịu được tốc độ gần 40.000 km/h và nhiệt độ nóng bằng một nửa bề mặt của Mặt Trời.

Dự kiến con tàu sẽ cất cánh cùng tên lửa SLS vào ngày 29/8 lúc 8:33 sáng theo giờ địa phương. Nếu thời tiết không thuận lợi, ngày dự phòng là ngày 2 hoặc 5/9. 

Nhiệm vụ sẽ kéo dài tổng cộng 42 ngày, cho đến khi quay trở lại Thái Bình Dương, nơi con tàu sẽ được trục vớt bởi một chiếc thuyền của Hải quân Mỹ. 

Vào năm 2024, sứ mệnh Artemis 2 sẽ chở các phi hành gia lên quỹ đạo quanh Mặt Trăng mà không cần hạ cánh xuống đó. Vinh dự này sẽ được dành cho phi hành đoàn của Artemis 3, một nhiệm vụ được lên kế hoạch sớm nhất vào năm 2025.

Lần cuối cùng những phi hành gia lên Mặt Trăng là từ tàu Apollo 17, vào năm 1972. Trong khi chương trình Apollo chỉ cho phép những người đàn ông da trắng đi bộ trên Mặt trăng, sứ mệnh Artemis dự định chở theo những phi hành gia nữ và người da màu đầu tiên. 

Mục tiêu là biến Mặt trăng trở thành căn cứ hậu phương để đưa con người lên sao Hỏa.

Theo www.sciencesetavenir.fr