Techfest vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ: Nhiều dự án khởi nghiệp có hàm lượng KH&CN cao

(Dân trí) - Lần đầu tiên Techfest vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ được tổ chức tại tỉnh Lâm Đồng nhưng lại thu được những kết quả rất khả quan khi tổng số tiền quan tâm đầu tư lên đến 70.000 USD. Bên cạnh đó, các dự án tham dự  cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” được đánh giá có hàm lượng KH&CN cao.

Techfest vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ: Nhiều dự án khởi nghiệp có hàm lượng KHCN cao - 1

Với mục đích thúc đẩy liên kết các thành phần của Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo vùng (doanh nghiệp khởi nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp,..) với Hệ sinh thái quốc gia và quốc tế; tạo dựng và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của các bạn trẻ tại địa phương, ngày 31/10 vừa qua Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng đồng tổ chức sự kiện Techfest vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ tại thành phố Đà Lạt.

Tạo môi trường thuận lợi nhất để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp

Techfest vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ: Nhiều dự án khởi nghiệp có hàm lượng KHCN cao - 2

Ông Trần Văn Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN. 

Tại sự kiện, ông Trần Văn Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN cho biết: Bộ KH&CN rất vui khi được biết rằng UBND các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ đã tích cực xây dựng và ban hành một số văn bản liên quan nhằm triển khai Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hướng tới hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương một cách hiệu quả. Một số kết quả nổi bật có thể kể đến như việc hình thành và phát triển các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của nhà nước và tư nhân, các không gian làm việc chung về khởi nghiệp của các tỉnh như Quảng Nam, Đắc Lắc, Bình Định… với nhiều hoạt động kết nối nguồn lực đầu tư khởi nghiệp cũng như đào tạo.

Trong khi đó, bà Võ Thị Hảo, Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đồng thông tin: Để tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phong trào khởi nghiệp quốc gia, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ngày 18/4/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 740/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Đề án 740 là cơ chế khung để hỗ trợ cho các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm thực hiện mục tiêu có hơn 10.000 doanh nghiệp được thành lập và hoạt động vào năm 2020, trong đó có nhiều doanh nghiệp hình thành từ mô hình khởi nghiệp. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành Kế hoạch 6324/KH-UBND về kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đến năm 2020. Nhằm kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành Đề án hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 (theo Quyết định số 635/QĐ-UBND).

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Kế hoạch, hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có những bước phát triển tích cực, bước đầu hình thành các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các câu lạc bộ khởi nghiệp, vườn ươm khởi nghiệp, không gian làm việc chung. Các chương trình ươm tạo, kết nối cố vấn, đầu tư, các cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh, các chương trình đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực cho các dự án khởi nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đã được tỉnh triển khai hàng năm truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp và nâng cao năng lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững.

“Chưa bao giờ khát vọng khởi nghiệp lại cháy bỏng trong mỗi chúng ta như bây giờ. Ai trong chúng ta cũng muốn tạo dựng được một sự nghiệp vững chắc cho bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội. Nhưng mục tiêu của khởi nghiệp không chỉ thuần túy là một con đường kiếm sống, tạo dựng sự nghiệp mà còn là một triết lý sống, khẳng định mình, thử thách bản thân, kiểm tra giới hạn tiềm tàng của chúng ta”, bà Hảo nói.

 Bất ngờ với các dự án tham dự cuộc thi khởi nghiệp

Techfest vùng Tây nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ có nhiều hoạt động sôi nổi như Hội thảo Kết nối đầu tư giữa startup với doanh nghiệp, nhà đầu tư; Trưng bày sản phẩm và dự án startup của vùng. Đặc biệt 13 dự án tham gia vòng chung kết cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ” cho thấy khát vọng và đam mê của các bạn trẻ ở nơi đây.

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN, Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi cho biết: “So với các cuộc thi tương tự đã tổ chức, chúng tôi đã thực sự ngạc nhiên và đánh giá cao hàm lượng KH&CN của các dự án. Bên cạnh đó, thành phần tham gia cũng đa dạng từ trường đại học, viện nghiên cứu đến người dân... Các dự án khởi nghiệp sáng tạo đều xuất phát từ nhu cầu cuộc sống và mang tính đặc trưng của vùng”.

Xuất phát từ thực tế, Đà Lạt với lợi thế khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp nên thu hút rất đông khách du lịch từ mọi miền đất nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, Bungalow (nhà gỗ) ở Đà Lạt đang là một loại hình trải nghiệm rất thú vị giành cho du khách và đang dần trở thành xu hướng. Hiện tại Đà Lạt là nơi có số lượng Bungalow lớn nhất cả nước. Nắm bắt được nhu cầu đó, thì dự án “Nhà gỗ lắp ghép và đồ nội thất thông minh” của Công ty TNHH Kết nối nghệ thuật 24 (Lâm Đồng) ra đời để giúp cho việc thi công, lắp đặt nhanh hơn, tiết kiệm nhiều chi phí hơn, cơ động trong việc tháo rời và di chuyển được khắp mọi nơi. Dự án này cũng đạt giải nhất của cuộc thi.

Techfest vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ: Nhiều dự án khởi nghiệp có hàm lượng KHCN cao - 3

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN trao Giải Nhất cho dự án “Nhà gỗ lắp ghép và đồ nội thất thông minh”.

Giải Nhì của cuôc thi cho dự án “Giải pháp vận tải thông minh Shipway” của Công ty TNHH MTV Phát triển & Đầu tư Đại Hùng (Quảng Ngãi). Đây là dự án giải quyết được bất cập trong ngành là cùng một thời điểm người có hàng hóa không có được xe, người có xe lại không có hàng hóa, Shipway sẽ giúp 2 bên kết nối với nhau để tìm kiếm hàng hóa và xe một cách nhanh chóng, tiện lợi, hiệu quả, tiết kiệm hơn 30% chi phí, không chiếm dụng vốn.

Tuy nhiên, cũng tại cuộc thi này những trăn trở cũng được các startup chia sẻ khá cởi mở. Chị Nguyễn Thị Mẫn Vy, một trong các startup có dự án tham dự Tìm kiếm tài năng Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ với sản phẩm nước hoa khô đa năng cho biết: khó khăn của các starup chính là vấn đề lựa chọn công nghệ, mô hình kinh doanh. Doanh nghiệp của chị Mẫn cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc hướng dẫn tạo lập quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường kết nối, giao lưu để qua đó, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận, quảng bá sản phẩm.

Để giải quyết vấn đề này, bà Võ Thị Hảo kiến nghị: Muốn tăng tính liên kết trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, không có hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương nào có thể tồn tại độc lập mà cần có sự kết nối chặt chẽ với các hệ sinh thái khởi nghiệp các địa phương trong vùng, giữa các vùng trong nước và giữa trong nước với quốc tế. Đối với các tỉnh, thành phố có nhiều liên kết chặt chẽ và các mối quan hệ bổ trợ lẫn nhau như vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ thì việc liên kết để cùng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp là vô cùng cần thiết.

Techfest vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ: Nhiều dự án khởi nghiệp có hàm lượng KHCN cao - 4

Sản phẩm, dự án tại Techfest vùng Tây nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ 2019.

“Đây không chỉ là sân chơi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có mô hình kinh doanh mới, có khả năng tăng trưởng nhanh, mà đây còn là những địa chỉ tin cậy để kết nối thông tin trong mạng lưới khởi nghiệp của cả nước. Thông qua hoạt động kết nối đầu tư giữa doanh nghiệp và startup, tôi đề nghị các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư, các hiệp hội doanh nghiệp, trên tinh thần thế hệ doanh nhân đi trước hướng dẫn, hỗ trợ và đồng hành, dìu dắt thế hệ doanh nhân đi sau để góp phần đưa các ý tưởng, các dự án khởi nghiệp có tiềm năng của những nhà khởi nghiệp trẻ có điều kiện thuận lợi sớm trở thành hiện thực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng một đất nước thịnh vượng”, bà Võ Thị Hảo nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Trần Văn Quang cho rằng, trong giai đoạn tiếp theo khi hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tập trung vào chiều sâu, chúng ta cần tăng cường hơn nữa sự hình thành và phát triển mô hình liên kết giữa các tổ chức hỗ trợ; trường đại học, viện nghiên cứu; tổ chức thúc đẩy kinh doanh; nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương, vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, trên cả nước và cả quốc tế.

Sỹ Hùng 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm