1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Tàu tự hành của Trung Quốc phát hiện bí ẩn dưới bề mặt Sao Hỏa

Minh Khôi

(Dân trí) - Bí ẩn phần dưới của lớp bề mặt Sao Hỏa đang dần được hé lộ nhờ nỗ lực chinh phục Hành tinh Đỏ của nhân loại.

Tàu tự hành của Trung Quốc phát hiện bí ẩn dưới bề mặt Sao Hỏa - 1

Tàu Chúc Dung trong sứ mệnh Tianwen 1 tự chụp ảnh khi đang thực hiện nhiệm vụ trên Sao Hỏa (Ảnh: China News).

Sao Hỏa từ lâu đã là hành tinh có ý nghĩa đặc biệt với con người. Không chỉ bởi khoảng cách không quá xa, đây còn là hành tinh đất đá với bầu khí quyển mỏng, với nhiều hố va chạm, núi lửa, thung lũng, sa mạc và chỏm băng trên bề mặt - điều được xem là tương đương như Trái Đất.

Mới đây, dữ liệu do thiết bị radar xuyên mặt đất từ một tàu tự hành đang thực hiện nhiệm vụ trên Sao Hỏa đã lần đầu tiên cho thấy bằng chứng về các miệng núi lửa bị chôn vùi ngay dưới lớp bề mặt Hành tinh Đỏ.

Được biết, đây chính là một con robot có khả năng hoạt động độc lập, nằm trong sứ mệnh Chúc Dung (Zhurong), do Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) quản lý.

Theo báo cáo, hình ảnh lớp bề mặt này cho thấy một số đặc điểm địa chất rõ ràng, và hoàn toàn trái ngược với cấu trúc nông dưới lớp bề mặt - điều mà ta dễ thấy ở Mặt Trăng hay Trái Đất.

Sự khác biệt có thể được giải thích là do bầu khí quyển mỏng của Sao Hỏa đã mang lại khả năng bảo vệ chống lại các vi thiên thạch, cũng như có dấu hiệu của phong hóa trên bề mặt.

Tàu tự hành của Trung Quốc phát hiện bí ẩn dưới bề mặt Sao Hỏa - 2

Bản đồ lớp dưới bề mặt Sao Hỏa được chụp bởi tàu tự hành Chúc Dung (Ảnh: CNSA).

"Chúng tôi tìm thấy rất nhiều đụn cát trên bề mặt tại địa điểm hạ cánh", Yi Xu, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Từ đặc điểm thú vị này, các nhà khoa học đặt giả thuyết rằng có thể miệng hố từng bị cát chôn vùi, và lớp phủ đã làm giảm quá trình phong hóa từ không gian.

Tàu vũ trụ mang theo robot Chúc Dung được phóng vào ngày 23/7/2020, và tiến vào quỹ đạo sao Hỏa vào ngày 10/2021. Tới tháng 5/2021, tàu hạ cánh tại Utopia Planitia - một vùng đồng bằng rộng lớn với đường kính ước tính 3300 km, để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu địa chất.

Thành công này đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 hạ cánh "mềm" thành công tàu vũ trụ trên Sao Hỏa, và là quốc gia thứ 2 thiết lập liên lạc ổn định từ bề mặt Sao Hỏa, sau Mỹ.

Các nhà nghiên cứu kỳ vọng việc khám phá lớp dưới bề mặt của Sao Hỏa sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về sự phát triển địa chất của hành tinh này, cũng như manh mối về các điều kiện khí hậu trước đó, thậm chí có thể là bằng chứng về sự hiện diện của nước hoặc băng.