Tàu thám hiểm của NASA đã lấy được gì từ tiểu hành tinh Bennu?
(Dân trí) - Ngày 3/5/2021, con tàu vũ trụ mang tên OSIRIS-Rex đã rời tiểu hành tinh Bennu bắt đầu hành trình trở về Trái đất.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết con tàu đã đem theo 60 gram bụi vũ trụ giàu carbon trên bề mặt Bennu. Đây là mẫu vật lớn nhất do con người lấy về từ không gian kể từ sau giai đoạn phóng loạt tàu Apollo lên Mặt trăng.
Theo kế hoạch, con tàu sẽ bay 2 vòng quanh Mặt trời trước khi trở về Trái đất. Khi còn cách Trái đất khoảng 9.600 km, một khoang nhỏ đem theo mẫu vật sẽ tách khỏi tàu và hạ cánh xuống sa mạc Utah ở Mỹ, vào ngày 24/9/2023.
OSIRIS-REx được phóng vào không gian cách đây 5 năm. Đây là lần đầu tiên NASA thực hiện chuyến bay nhằm lấy mẫu vật từ một tiểu hành tinh. Mục đích chính của chuyến bay là kiểm tra lại xem các tính toán thực hiện trên mặt đất có chính xác hay không để từ đó làm cơ sở cho các chuyến bay tiếp theo vào không gian xa xôi hơn.
Con tàu tiếp cận lần đầu tiên với Bennu vào năm 2018. Trước khi lấy mẫu vật, tàu bay vòng quanh tiểu hành tinh này để thu thập thông tin và chọn địa điểm hạ cánh. Trên tàu còn có nhiều dụng cụ như máy đo quang phổ, máy ghi hình để đo đạc bề mặt của tiểu hành tinh. Kết quả đo tại chỗ bằng các dụng cụ này đã khẳng định những dự đoán của NASA rằng đất giàu carbon của Bennu có chứa các phân tử oxygen và hydrogen. Do đó, các nhà khoa học cho rằng rất có thể tiểu hành tinh này đã từng có nước vào một thời điểm nào đó. Khi con tàu tiếp cận gần hơn, họ đã rất ngạc nhiên khi thấy bề mặt của Bennu không nhẵn như dự đoán mà có gồ ghề, nhiều đá. Do đó, việc hạ cánh trở nên khó khăn hơn.
Cuối cùng, vào ngày 20/10/2020, con tàu thám hiểm đã đổ bộ thành công xuống Bennu. Cánh tay robot đã bắn nitrogen lên bề mặt tiểu hành tinh để lấy mẫu vật đầy ống nghiệm. Các máy quay trên tàu đã ghi lại quá trình này.
Dưới đây là đoạn băng ghi hình của Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard, NASA, về những hoạt động tiếp theo của con tàu: