1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Tàu quỹ đạo chụp toàn cảnh hẻm núi lớn nhất Hệ Mặt Trời

Minh Khôi

(Dân trí) - Với chiều dài gần 4.000 km và rộng 320 km, Valles Marineris lớn hơn gấp 10 lần và rộng hơn 20 lần so với cùng một dạng hệ thống hẻm núi được tìm thấy ở Bắc Mỹ.

Tàu quỹ đạo chụp toàn cảnh hẻm núi lớn nhất Hệ Mặt Trời - 1

Ảnh chụp hẻm núi Valles Marineris trên bề mặt Sao Hỏa (Ảnh: ESA).

Mới đây, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã công bố những tấm ảnh do tàu vũ trụ Mars Express ghi lại khi bay ngang qua quỹ đạo Sao Hỏa. Trong ảnh là hình ảnh chi tiết của một phần của hệ thống hẻm núi Valles Marineris khổng lồ.

Valles Marineris được cho là đã hình thành từ khi sao Hỏa có các mảng kiến tạo. Nghiên cứu gần đây đã đề xuất rằng hệ thống hẻm núi này chính là kết quả của một vết nứt ngày càng bị kéo giãn giữa các mảng địa chất, và được hình thành từ hàng tỷ năm trước.

Với chiều dài gần 4.000 km và rộng 320 km, Valles Marineris lớn hơn gấp 10 lần và rộng hơn 20 lần so với cùng một dạng hệ thống hẻm núi được tìm thấy ở Bắc Mỹ.

Một số đặc điểm khác mà hình ảnh cũng tiết lộ, đó là hẻm sâu khoảng 7 km, gấp 5 lần so với hẻm núi Grand Canyon nổi tiếng trên Trái Đất.

Thế nhưng, điều thú vị là trong suốt lịch sử hình thành của Trái Đất chưa hề có hẻm núi nào đạt được kích thước lớn gần bằng như Valles Marineris.

Tàu quỹ đạo chụp toàn cảnh hẻm núi lớn nhất Hệ Mặt Trời - 2

Đây chính là hẻm núi lớn nhất Hệ Mặt Trời, từng được con người biết đến.

Dựa trên những hình ảnh gửi về từ Mars Express, có thể thấy mặc dù hẻm núi tương đối nông, nhưng lại có hai hố sâu rất rộng, tạm gọi là Ius Chasma - kéo dài 840 km bề mặt hẻm núi, và Tithonium Chasma dài 805 km.

Ngoài ra, nó cũng được phát hiện có chứa các khoáng chất sunfat bên trong. Điều này có thể là bằng chứng của các hồ nước từng tồn tại ở hệ thống Valles Marineris.

Theo các nhà khoa học, bằng cách nghiên cứu kỹ lưỡng cấu trúc tự nhiên đáng kinh ngạc này, loài người có thể hiểu được cấu tạo về địa chất và lịch sử hình thành nên bề mặt Sao Hỏa.

Theo www.sciencealert.com