1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Tàu KRI Nanggala-402 và những vụ mất tích khoa học chưa thể lý giải

Minh Khôi

(Dân trí) - Thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ mất tích bí ẩn của tàu ngầm mang mã danh KRI Nanggala-402 của Hải quân Indonesia mất tích sáng ngày 21/4.

Trong lịch sử, thế giới từng chứng kiến nhiều vụ mất tích tương tự, theo kiểu "đột ngột" biến mất mà không để lại chút đầu mối nào. 

Đối với một vài trường hợp, người ta phải mất hàng chục năm mới tìm ra lời giải. Nhưng cũng có những vụ việc chưa bao giờ được đưa ra ngoài ánh sáng. Dưới đây là một số câu chuyện nổi tiếng. 

1. Lost Colony - bí mật suốt 400 năm qua

Tàu KRI Nanggala-402 và những vụ mất tích khoa học chưa thể lý giải - 1

Dòng chữ bí ẩn được tìm thấy trên các thân cây sau sự biến mất không dấu vết của hơn 100 người dân, từ đàn ông, phụ nữ, trẻ em.

Chuyện kể rằng, vào năm 1587, 117 người di cư từ Anh do John White (1540 - 1593) dẫn đầu đã tìm đến hòn đảo Roanoke trên bờ biển Bắc Carolina (Mỹ) ngày nay để tạo dựng một cuộc sống mới trên "miền đất hứa".

Mọi thứ không như dự tính, khi đến nơi, họ đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của người bản xứ. John White khi đó quyết định trở về Anh để xin quân viện trợ. 

Phải tới 3 năm sau, năm 1590, John White mới có thể trở lại hòn đảo cũ. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi đáng kinh ngạc, khi hơn 100 người dân, từ đàn ông, phụ nữ, trẻ em đều biến mất không một dấu vết.

Thứ duy nhất mà John White tìm thấy là dòng chữ "CROATOAN" được khắc nguệch ngoạc lên một thân cây. Cho rằng đó là lời nhắn của đồng bào mình trước khi di cư đến hòn đảo cùng tên gần đó sinh sống, John White và đội quân Anh quyết định đi tìm, nhưng họ chưa bao giờ thành công.

Sau nhiều nỗ lực, John White đã bỏ cuộc. Đồng nghĩa với sự thật về việc biến mất của hàng trăm người di cư Anh vẫn chưa bao giờ được làm sáng tỏ.  

Đây được xem là một trong những vụ mất tích tập thể khó hiểu bậc nhất trong lịch sử nhân loại, với số phận của những người dân di cư trong Lost Colony đến nay vẫn là bài toán hóc búa đối với sử gia và nhà khảo cổ. 

2. Hành khách biến mất trên tàu MV Joyita

Tàu KRI Nanggala-402 và những vụ mất tích khoa học chưa thể lý giải - 2

Một phần con tàu MV Joyita bị chìm khi được tìm thấy. (Ảnh: Weburbanist.com)

Một vụ việc khiến người ta nhớ đến thảm họa chìm tàu Titanic, đó là việc con thuyền MV Joyita đã lật và chìm trên đường từ đảo Fiji tới Vanua Levu. 

Trước đó, thuyền MV Joyita được mệnh danh là "không thể chìm". Thế rồi nó cũng chịu kết cục mà không ai mong muốn. Điều đáng sợ là tất cả 25 hành khách và thuyền viên đều bị mất tích một cách bí ẩn. 

Điều lạ lùng chưa chấm dứt. Rất lâu sau, con thuyền đã được tìm thấy tại vùng biển Nam Thái Bình Dương. Toàn bộ các xuồng cứu sinh trên thuyền biến mất.

Nhà khoa học David Wright đặt ra giả thuyết, cho rằng do không đủ chỗ trên xuồng cứu hộ, nên một số người đã bơi cùng với áo phao, và từng người một đã chết do đuối nước hoặc bị cá mập ăn thịt.

Dẫu vậy, sự thật sau vụ mất tích của những người trên xuồng thì đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.

3. Máy bay MH370 biến mất giữa không trung

Tàu KRI Nanggala-402 và những vụ mất tích khoa học chưa thể lý giải - 3

MH370 của Malaysia Airlines mất tích ngày 8/3/2014. Ảnh: Getty Images

Ngày 8/3/2014, máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines mang số hiệu MH370 đã mất tích trong khi bay từ Sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia đến Sân bay quốc tế Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. 

Toàn bộ 239 người trên máy bay được cho là đã tử vong do một tai nạn mà không ai dám chắc. Càng khó hiểu hơn khi máy bay bị mất tích trong điều kiện thời tiết tốt, và gần như không có sự can thiệp từ vật thể bay khác. 

Rất nhiều giả thuyết đã được đặt ra, có cả thuyết âm mưu. Tuy nhiên, những giả thuyết này đều không có bằng chứng xác thực và bí ẩn này vẫn chưa có lời giải đáp. 

Theo cơ quan điều tra, một số bộ phát trên máy bay MH370 có thể đã được tắt bằng tay. Và khi xảy ra sự cố, chuyến bay đã thay đổi hướng rất mạnh.

Trong suốt thời gian này, không hề có cuộc gọi nào từ hành khách cũng như phi hành đoàn, cũng như tín hiệu được gửi bởi các phi công. Xác máy bay hiện vẫn chưa được tìm thấy.

4. Tàu nhiên liệu USS Cyclops biến mất không dấu vết

Tàu KRI Nanggala-402 và những vụ mất tích khoa học chưa thể lý giải - 4

Tàu chở nhiên liệu USS Cyclops. Ảnh: Wikipedia.

USS Cyclops là một trong những tàu nhiên liệu lớn nhất của Hải quân Mỹ. Nó được nhìn thấy lần cuối vào ngày 4/3/1918, khi đang cập bến tại vùng Tây Ấn trên hải trình từ Brazil đến Baltimore, mang theo 10.800 tấn quặng mangan (sử dụng trong sản xuất đạn dược) cùng 306 hành khách và thủy thủ đoàn. 

USS Cyclops đã không bao giờ cập bến Baltimore, bởi con tàu khổng lồ cùng 306 nạn nhân đã hoàn toàn biến mất không dấu vết nơi đại dương sâu thẳm. 

Nhiều chiến dịch tìm kiếm được thực hiện trong vô vọng, khiến hải quân Mỹ không thể xác định nguyên nhân dẫn tới vụ mất tích.  

Điều lạ lùng là tàu không phát tín hiệu cấp cứu, thủy thủ đoàn cũng không trả lời tín hiệu vô tuyến từ hàng trăm tàu Mỹ trong khu vực.

Sự việc là một trong số hàng loạt vụ mất tích tàu thuyền, máy bay có liên quan tới vùng "Tam giác quỷ Bermuda", càng làm tăng thêm tính bí ẩn của khu vực này.

 5. Tàu ngầm KRI Nanggala-402 mất tích giữa lòng đại dương

Tàu KRI Nanggala-402 và những vụ mất tích khoa học chưa thể lý giải - 5

Thủy quân Indonesia đứng trên boong tàu ngầm quân sự KRI Nanggala-402 năm 2013. Ảnh: Reuters

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 do Đức sản xuất mất tích vào ngày 21/4 khi đang tham gia cuộc diễn tập ở ngoài khơi đảo Bali, Indonesia. 

Tàu liên lạc lần cuối với sở chỉ huy vào lúc 3 giờ sáng để xin phép lặn xuống biển, trước khi mất liên lạc hoàn toàn. 

Hải quân Indonesia nhận định tàu Nanggala có thể đã chìm xuống độ sâu 600-700 mét, lớn hơn nhiều so với độ sâu tối đa cho phép hoạt động của tàu. Vào thời điểm mất tích, tàu chở 53 thành viên thủy thủ đoàn 

Nhà phân tích quốc phòng Ridzwan Rahmat cho biết sự việc đã được dự đoán từ trước, do tàu này đã quá cũ và chở quá tải số thành viên thủy thủ đoàn. 

Tuy nhiên, nguyên nhân tại sao xảy ra sự cố, tàu KRI Nanggala-402 hiện đang ở đâu, và số phận 53 thủy thủ đoàn thế nào, vẫn là những câu hỏi đang đi tìm lời giải đáp.