Tạo ra vật liệu cấy ghép implant phát triển cùng với xương tự nhiên
(Dân trí) - Các nhà khoa học Nga đã thành công phát triển công nghệ sản xuất vật liệu hoạt tính sinh học mới.
Các mô cấy được làm từ chúng có cấu trúc và tính chất tương tự như xương tự nhiên, giúp hỗ trợ sự phát triển của nó trong cơ thể. Báo cáo khoa học được đăng trên tạp chí Progress in Natural Science: Materials International.
Các nhà khoa học từ Viễn Đông thuộc Viện Hóa học Viện Hàn lâm khoa học Nga (RAS) đã phát triển công nghệ chế tạo vật liệu sinh học dựa trên gốm sứ và canxi silicat tổng hợp.
Theo các chuyên gia, có ba yêu cầu chính đối với vật liệu sinh học sử dụng trong cấy ghép implant. Đầu tiên, chúng không được ảnh hưởng xấu đến các mô sống, tiếp xúc trực tiếp với chúng trong cơ thể.Thứ hai, xương nhân tạo cần phải có cấu trúc xốp. Chỉ khi đó các tế bào xương và mạch máu mới phát triển bên trong bộ phận cấy ghép.
Thứ ba, vật liệu cần có các đặc tính hoạt động sinh học, có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh lý trong cơ thể: kích thích tăng trưởng, thúc đẩy di cư, phân chia tế bào và biệt hóa.
“Bộ phận cấy ghép giả thường được làm từ canxi silicat, sẽ trơ trong cơ thể, khá đơn giản để chế tạo. Và để làm cho nó hoạt động được về mặt sinh học, cần sử dụng đến nhiều công nghệ đặc biệt”, người đứng đầu dự án Evgenia Papinova cho biết.
Các nhà khoa học cũng cho hay, ưu điểm của vật liệu tổng hợp mới được chế tạo, với canxi silicat cấu trúc nano (wollastonite), là khả năng hoạt động sinh học và tác động tích cực đến quá trình trao đổi chất khi đưa vào cơ thể, đồng thời có cấu trúc và độ cứng cần thiết cho cấy ghép. Các chất phụ gia của hạt nano là những kim loại quý - vàng và bạc - mang lại cho cấy ghép implant các đặc tính kháng khuẩn và chống viêm.
Các nhà khoa học đã thử nghiệm vật liệu mới để cấy ghép bộ phận giả trên chuột và ghi nhận khả năng tương thích sinh học cực kỳ cao của chúng. Chúng có thể được sử dụng cho chân tay giả của bệnh nhân ở mọi lứa tuổi.
M.P
Theo Sputnik