Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học yên tâm công tác

(Dân trí) - Sáng 17/5, sau khi lắng nghe những vướng mắc, khó khăn của các nhà khoa học ở Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị các bộ ngành, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nghiên cứu đề xuất, sửa đổi quy định cho phù hợp để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học yên tâm công tác.

Sáng 17/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tham dự Lễ kỷ niệm Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam lần thứ 5 (18/5) và kỷ niệm 43 năm ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (20/5/1975-20/5/2018). Đây là cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu của cả nước trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ.


Chủ tịch Quốc hội tham quan một số gian trưng bày sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ của Viện Hàn lâm. (Ảnh: VAST)

Chủ tịch Quốc hội tham quan một số gian trưng bày sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ của Viện Hàn lâm. (Ảnh: VAST)

Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh...

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương, ghi nhận những thành tích mà Viện Hàn lâm đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời chia sẻ những khó khăn mà Viện còn gặp phải. Chủ tịch Quốc hội cũng tin tưởng rằng với truyền thống hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, cùng sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2020 trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, có tiềm lực khoa học và công nghệ đạt trình độ tiên tiến ở khu vực Đông Nam Á, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng phát triển bền vững đất nước.

Cũng tại buổi lễ này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Trong Quy hoạch phát triển Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là rất nặng nề, với nhiều chỉ tiêu phấn đấu ở mức cao đòi hỏi toàn thể cán bộ, viên chức, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm phải đoàn kết, nỗ lực phấn đấu mới có thể thực hiện tốt nhiệm vụ đặt ra.

Viện cần quán triệt và thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 19 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Phát huy tính năng động, chủ động, sáng tạo của các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu, triển khai thực hiện cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập”

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cần tập trung nguồn lực, đầu tư vào các hướng khoa học công nghệ mũi nhọn, có ý nghĩa thiết thực đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu của cách mạng 4.0. Bên cạnh những nhiệm vụ Nhà nước giao, Viện cần đẩy mạnh việc ứng dụng triển khai những kết quả nghiên cứu, thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống của nhân dân; thương mại hóa các sản phẩm khoa học phục vụ phát triển kinh tế xã hội.


Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Trong Quy hoạch phát triển Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là rất nặng nề.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Trong Quy hoạch phát triển Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là rất nặng nề.

Tiếp tục nghiên cứu nhằm đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ của Viện, tạo môi trường động lực cho các nhà khoa học cống hiến sáng tạo. Tiếp tục triển khai các chương trình phát triển khoa học cơ bản trong các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như Toán học, Vật lý, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất, Khoa học biển. Chú trọng phát triển các lĩnh vực có tính ứng dụng cao, một số lĩnh vực liên ngành giữa khoa học tự nhiên với khoa học kỹ thuật và công nghệ; Xây dựng một số Viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế.

Ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước, cần huy động các nguồn lực xã hội, trước hết là nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp cho ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; Hỗ trợ thị trường khoa học công nghệ theo hướng phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ kỹ thuật, chuyển giao, tư vấn, đánh giá và định giá công nghệ; Đóng góp tích cực cho sự phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ, chuyên gia công nghệ, kết nối cung cầu sản phẩm mới.

Viện cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực khoa học phù hợp trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về khoa học và công nghệ, để có đội ngũ cán bộ khoa học đáp ứng trình độ, năng lực cho sự phát triển của Viện trong giai đoạn mới. Triển khai thực hiện tốt các cơ chế chính sách ưu đãi đối với cán bộ khoa học công nghệ đặc biệt là cán bộ khoa học đầu ngành, cán bô khoa học có trình độ cao. Có cơ chế chính sách thiết thực và hiệu quả nhằm thu hút các nhà khoa học trẻ tài năng, các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia nước ngoài đến hợp tác nghiên cứu.

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác khoa học công nghệ trong và ngoài nước, đặc biệt là hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, chủ động hội nhập quốc tế.

Chủ động trong việc đề xuất với Nhà nước các cơ chế chính sách phù hợp với thực tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra; Tập trung nâng cao năng lực nghiên cứu dự báo về nhu cầu phát triển khoa học công nghệ phù hợp với điều kiện của nước ta nhằm xây dựng chiến lược khoa học công nghệ phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Chia sẻ với Chủ tịch Quốc hội, GS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Việc đầu tư cho khoa học đã được Đảng và Nhà nước quan tâm song vẫn còn những hạn chế về quản lý tài chính. Việc xác định số người làm việc chưa thực sự phù hợp với đặc thù của loại hình công tác nghiên cứu khoa học. Thực tế là trong khi những cán bộ được cử đi đào tạo từ những năm 70-80 của thế kỷ trước thì đã gần đến tuổi nghỉ hưu thì chính sách thu hút nhân tài chưa hấp dẫn nên dẫn đến rất khó khăn trong việc tìm kiếm được đội ngũ trẻ tài năng kế cận.

Giải quyết vấn đề thắc mắc nay, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Khoa học và Công nghệ, Môi trường Quốc hội, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi quy định cho phù hợp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học yên tâm cống hiến, phục vụ đất nước.

Tuy nhiên Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu ra thực trạng, ngành khoa học và công nghệ được dành 2% tổng chi ngân sách hàng năm nhưng năm nào cũng không giải ngân hết. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, Thường vụ Quốc hội từng giám sát chuyên đề về vấn đề này song cho đến nay vẫn không có gì thay đổi.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Khoa học và Công nghệ, Môi trường Quốc hội nghiên cứu đánh giá việc chi ngân sách cho khoa học, làm sao năm 2018 phải chi hết 2% cho đầu tư, nghiên cứu, phân tích vì sao tiền thừa trong khi các viện nghiên cứu lại thiếu. Cần thiết có thể tiếp tục làm một giám sát chuyên đề việc thực hiện ngân sách cho khoa học công nghệ.

S.H