1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Tạm hoãn phóng tên lửa đưa vệ tinh NanoDragon của Việt Nam lên vũ trụ

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Từ Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima (Nhật Bản), JAXA thông báo tạm hoãn buổi phóng tên lửa đưa vệ tinh của Việt Nam vào vũ trụ. Nguyên nhân tạm hoãn buổi phóng hiện đang được làm rõ.

Tạm hoãn phóng tên lửa đưa vệ tinh NanoDragon của Việt Nam lên vũ trụ - 1

Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam bị tạm hoãn phóng dù đã được đưa lên bệ. (Ảnh: JAXA)

Theo thông tin từ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), vệ tinh NanoDragon dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo vào khoảng 7h51 phút sáng 1/10 (giờ Việt Nam) bởi Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật bản (JAXA).

Tuy nhiên, khi đến giai đoạn bắt đầu đếm ngược để chuẩn bị phóng tên lửa Epsilon số 5 (của Nhật Bản) mang theo vệ tinh NanoDragon, thì dường như đã có một số trục trặc xảy ra.

Sau khi gián đoạn trong ít phút, JAXA bất ngờ thông báo tạm hoãn buổi phóng tên lửa trong video livestream, trước sự ngỡ ngàng của những người theo dõi.

Được biết tại thời điểm buổi phóng diễn ra, có khoảng 10.000 người theo dõi trực tuyến trên nền tảng YouTube.

Nguyên nhân tạm hoãn buổi phóng hiện đang được làm rõ. Tuy nhiên theo một số quan chức trên webcast của JAXA phỏng đoán, đây có thể là do sự cố của trạm mặt đất.

Như vậy, tên lửa Epsilon số 5 đã chính thức không thể rời khỏi bệ phóng tại bãi phóng Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima, phía Nam Nhật Bản, và được dời sang một ngày khác.

Trước đó, cả 4 lần phóng tên lửa Epsilon diễn ra vào tháng 9/2013, tháng 12/2016, tháng 1/2018, tháng 1/2019 đều thành công.

Tạm hoãn phóng tên lửa đưa vệ tinh NanoDragon của Việt Nam lên vũ trụ - 2

Vệ tinh NanoDragon được thiết kế, tích hợp bởi Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. (Nguồn: VNSC)

NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat lớp nano nặng 3,8 kg với kích thước tiêu chuẩn 3U (100 x 100 x 340,5 mm), được VNSC phát triển.

Đây là sản phẩm của Đề tài "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano" thuộc "Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 - 2020."

Sau khi được phóng lên vũ trụ, vệ tinh NanoDragon dự kiến sẽ hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời độ cao khoảng 560 km.

Vệ tinh này được phát triển với mục đích chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System - AIS) sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển.