1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Tại sao mặt trăng lại chuyển sang màu đỏ trong lúc nguyệt thực toàn phần?

(Dân trí) - Một khối cầu màu ruby cực lớn mọc lên trên bầu trời khi xảy ra nguyệt thực toàn phần, làm cho mặt trăng vốn có màu xám xanh lúc bình thường trở thành màu đỏ tươi cũng đủ để khiến cho nhiều người bất tỉnh nhân sự. Và có lẽ, ánh sáng màu đỏ rực lửa của nguyệt thực toàn phần là hình ảnh gây ấn tượng nhất trong ba loại nguyệt thực (hai loại còn loại gọi là nguyệt thực một phần và nguyệt thực nửa tối).

Nguyệt thực toàn phần ngày 16/7/2000 (Ảnh: Fred Espenak)
Nguyệt thực toàn phần ngày 16/7/2000 (Ảnh: Fred Espenak)

Ngoài ra, hiện tượng nguyệt thực toàn phần chỉ có thể xảy ra khi mặt trời, Trái đất và mặt trăng xếp thành một đường thẳng tuyệt đối.

Vậy thì, khi mặt trăng bắt đầu đi vào phần rìa ngoài của bóng Trái đất, và dần chìm ngập hoàn toàn trong phần tối nhất của bóng đen đó, tại sao kết quả không phải là bầu trời trở nên tối đen? Mà thay vào đó lại là hiện tượng mặt trăng trở nên chìm ngập trong một ánh sáng từ màu cam sáng tới màu đỏ rực như máu?

Hãy tưởng tượng là bạn đang đứng trên mặt trăng (với rất nhiều bụi và các miệng hố ở dưới chân), nhìn xuống Trái đất trong sự kiện ngoạn mục của bầu trời đêm này. Khi Trái đất đứng ngay trước mặt trời – ngăn chặn các tia bức xạ từ mặt trời chiếu sáng mặt trăng – bạn sẽ nhìn thấy một vành tròn lửa bao xung quanh hành tinh đó.

Theo NASA, “bóng của trái đất sẽ trở nên tối nhất vào lúc bình minh và hoàng hôn”. Thậm chí, khi đó trái đất nhìn sẽ còn lớn hơn cả mặt trời, và ánh sáng từ mặt trời chiếu xuống sẽ bị khúc xạ xung quanh phần rìa Trái đất. Ánh sáng này được phản xạ lên mặt trăng. Nhưng trước đó, khi ánh sáng đi qua bầu khí quyển của chúng ta, ánh sáng xanh có bước sóng ngắn bị lọc ra, chỉ để lại ánh sáng màu đỏ và cam chiếu tới bề mặt mặt trăng. Và kết quả là mặt trăng có màu đỏ.

Theo NASA, mặt trăng sẽ thay đổi các sắc thái khác nhau trong các giai đoạn khác nhau của nguyệt thực toàn phần, sẽ chuyển từ màu xám lúc ban đầu đến màu cam và màu hổ phách. Điều kiện khí quyển cũng có thể ảnh hưởng đến độ sáng của màu sắc. Chẳng hạn như, các hạt phụ ở trong không khí – ví dụ như tro bụi từ một vụ cháy rừng lớn hoặc một vụ phun trào núi lửa mới xảy ra – có thể sẽ làm mặt trăng có màu đỏ sẫm hơn.

Mặt trăng không phải luôn hoàn toàn ẩn ở phía sau bóng của Trái đất. Trong khi nguyệt thực một phần, mặt trời, Trái đất và mặt trăng hơi nằm lệch ra khỏi một đường thẳng, và bóng của Trái đất chỉ phủ lên một phần của mặt trăng.

Một người mới làm quen với việc quan sát bầu trời thậm chí còn không thể nhận ra loại nguyệt thực thứ ba – nguyệt thực nửa tối. Lúc này, mặt trăng nằm trong vùng nửa tối hoặc vùng bóng mờ của Trái đất. Noah Petro – một nhà nghiên cứu khoa học tại Trung Tâm bay vũ trụ Goddard Space Flight Center ở Maryland – cho rằng “nếu bạn không biết hiện tượng nguyệt thực nửa tối diễn ra như thế nào, thì thậm chí bạn còn có thể không nhận ra nó”

Hai lần nguyệt thực nửa tối tiếp theo sẽ xảy ra vào ngày 16/9/2016 - có thể nhìn thấy từ châu Âu, châu Phi, châu Á, châu Úc và tây Thái Bình Dương và 11/2/2017- có thể nhìn thấy từ châu Mỹ, châu Âu, châu Phi và châu Á.

Sơ đồ về nguyệt thực sẽ xảy ra ngày 16/9/2016 do chuyên gia về thiên thực của NASA – Fred Espenak lập nên, thể hiện cả các khu vực có thể quan sát được nguyệt thực.
Sơ đồ về nguyệt thực sẽ xảy ra ngày 16/9/2016 do chuyên gia về thiên thực của NASA – Fred Espenak lập nên, thể hiện cả các khu vực có thể quan sát được nguyệt thực.

Nguyệt thực một phần lần tới sẽ có thể nhìn thấy ở châu Âu, châu Phi, châu Á và châu Úc, dự kiến sẽ vào 7/8/2017.

Anh Thư (Tổng hợp)