1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Tại sao cua hoàng đế có màu tím xanh, ăn có độc không?

Minh Khôi

(Dân trí) - Loài cua hoàng đế thường được biết đến với sắc màu đỏ sẫm hoặc đỏ tía. Tuy nhiên vẫn có những ngoại lệ độc đáo, điển hình như màu tím xanh.

Tại sao cua hoàng đế có màu tím xanh, ăn có độc không? - 1

Con cua King Crab màu tím xanh oải hương rất lạ mắt xuất hiện tại TPHCM (Ảnh: Hoàng Gia).

Mới đây như Dân trí đã đưa tin , một siêu thị hải sản tại TPHCM đã giới thiệu một con cua thuộc loại cua hoàng đế, nhưng lại có màu tím xanh giống màu hoa oải hương rất hiếm gặp.

Con cua này mới được phát hiện gần đây, nằm lẫn trong số những con cua hoàng đế đỏ được nhập khẩu về Việt Nam. Nó nặng 2,8 kg, dài 82 cm, và bơi lội rất khỏe.

Được biết, cua hoàng đế màu xanh tím là hiện tượng siêu hiếm gặp, và hiện tại trên thế giới chỉ ghi nhận có 3 trường hợp. Lần cuối cùng người ta bắt gặp cua hoàng đế màu xanh là vào cuối năm 2014, tại Mỹ.

Nguyên nhân sắc xanh kỳ lạ

Theo các chuyên gia của tổ chức nghiên cứu Hokkaido (Nhật Bản), nguyên nhân khiến cua hoàng đế có màu sắc này là do ảnh hưởng của chế độ ăn uống hoặc đột biến gây thiếu hụt sắc tố. 

"Màu xanh của cua hoàng đế có thể là kết quả của đột biến gen cực kỳ hiếm gặp", Scott Kent, một nhà nghiên cứu địa phương cho biết.

Tại sao cua hoàng đế có màu tím xanh, ăn có độc không? - 2

Cua hoàng đế có màu tím xanh. (Ảnh: Japan Today)

Tuy nhiên theo Oceana, cua hoàng đế xanh lại được cho là một giống loài tách biệt với cua hoàng đế thường, với kích thước nhỏ hơn, và số lượng cực kỳ hạn chế trong tự nhiên.

Chúng sống thành những quần thể nhỏ, nằm rải rác ngoài khơi bờ biển phía Đông của châu Á, gần phía Bắc Nhật Bản và Siberia. Sở dĩ người ta khó đánh bắt được cua hoàng đế xanh, là bởi chúng sống ở vùng nước lạnh hơn đáng kể so với cua hoàng đế thường. 

Một số tài liệu cho rằng phạm vi sống của cua hoàng đế xanh đã bị thu hẹp đáng kể do ảnh hưởng từ sự ấm lên toàn cầu, khiến cho các vùng nước lạnh ưa thích của chúng không còn nữa. 

Số lượng chính xác của những cá thể này trong tự nhiên là không xác định, theo một báo cáo vào năm 2019. 

Cua hoàng đế xanh có độc không?

Tại sao cua hoàng đế có màu tím xanh, ăn có độc không? - 3

Chú cua màu tím xanh nặng 2,8 kg và bơi lội rất khỏe (Ảnh: Hoàng Gia).

Đối với một số loài động vật như rắn hay ếch nhái, càng sở hữu màu sắc sặc sỡ đồng nghĩa với việc chúng sở hữu nọc độc nguy hiểm. Tuy nhiên với loài cua hoàng đế, hiện chưa ghi nhận trường hợp nào sở hữu độc tố trong cơ thể.

Theo tổ chức Quality Seafood, cua hoàng đế xanh tím hoàn toàn có thể ăn được. Một số cá thể được phát hiện tại Alaska và Bắc Mỹ vẫn được với hương vị của cua hoàng đế nguyên bản, nhưng có ngọt hơn một chút. 

Tuy nhiên, chúng ít được ưa chuộng hơn cua hoàng đế đỏ, vì có ít thịt hơn ở chân và càng. Cua hoàng đế đỏ cũng dễ đánh bắt hơn vì có thể được tìm thấy ở vùng nước nông.

Dòng sự kiện: Tại sao lại thế?