Tại sao con người lại không có mắt màu cam hoặc vàng?
(Dân trí) - Vương quốc động vật có đầy các sinh vật với những đôi mắt có màu sắc kỳ dị: những con cú sừng lớn hãnh diện với đôi mắt màu vàng tuyệt đẹp, trong khi những con mèo thì nhìn bằng những đôi mắt màu xanh lá cây, vàng hoặc thậm chí là màu cam sáng. Vậy tại sao ở loài người lại không có ai mang đôi mắt đầy màu sắc như vậy?
Tiến sĩ Mark Fromer, một bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Lenox Hill ở New York cho biết: Trên thực tế, những màu mắt tuyệt đẹp của động vật không phải là tất cả những gì khác biệt với đôi mắt của con người.
Khi người ta nói về màu mắt, họ đang thực sự đề cập đến màu sắc của mống mắt – đó là một vòng gồm các cơ (còn được gọi là cơ vòng) nằm bên trong mắt. Nếu mống mắt chứa nhiều hắc tố (mêlanin) hoặc sắc tố, thì mắt sẽ hiện màu nâu. Khi lượng hắc tố giảm xuống, màu của mắt sẽ hiện ra thành màu hạt dẻ, xanh lá hoặc xanh biển. Lượng sắc tố trong mắt người phụ thuộc vào các gen chứa trong các tế bào đặc biệt tên là tế bào hắc tố - melanocyte.
Fromer cho biết, các động vật có màu mắt khác thường có một nhóm liên tục mang màu sắc giống nhau.
Màu cam thật ra chính là màu hổ phách. Màu vàng là một biến thể của màu nâu. Fromer cho rằng “Chúng đều là các biến thể dọc theo một chuỗi màu mắt phổ biến, bắt đầu từ màu nâu [và đi] tới màu hổ phách, đến màu hạt dẻ, tới màu xanh lá cây, rồi màu xanh nước biển.
Có một vài ngoại lệ, chẳng hạn như loài ếch cây mắt đỏ, màu đỏ thường không nằm trong thang chia độ về màu mắt này. Có một quan niệm phổ biến nhưng lại sai lầm, đó là các cá thể bị bạch tạng thì có mắt màu đỏ. Trong thực tế, tròng mắt của họ không có bất kỳ sắc tố nào, bởi vì ở những cá thể bị bạch tạng thì các gen kiểm soát việc sản xuất hắc tố hoàn toàn bị tắt đi. Thay vào đó, màu đỏ đến từ các mạch máu hỗ trợ cho mống mắt.
Khi được hỏi về tin đồn rằng nữ diễn viên Elizabeth Taylor (1932 – 2011) có đôi mắt màu tím, Fromer cho biết ông chưa bao giờ nghe nói đến, hoặc nhìn thấy một đôi mắt màu tím. Tuy nhiên, ông nghĩ rằng điều đó cũng có thể xảy ra nếu một người có đôi mắt màu xanh nước biển nhạt và các mạch máu màu đỏ nổi bật, khi màu xanh và màu đỏ hòa vào nhau tạo ra màu tím.
Hơn nữa, ông cũng nói thêm rằng, màu mắt có thể thay đổi khi mắt của một người giãn ra hoặc co lại. Khi mắt giãn ra (có nghĩa là, khi đồng tử mở lớn để nó có thể lấy nhiều ánh sáng vào hơn), thì mống mắt bị nén lại và nhìn có vẻ tối hơn bởi vì các sắc tố bị nhồi vào một khu vực nhỏ hơn. Ngược lại, khi mắt nhíu lại, chẳng hạn như vào một ngày nắng chói, thì đồng tử chùng lại và mống mắt sẽ tăng kích thước. Khi đó, màu sắc của mống mắt nhìn có vẻ ít đậm hơn, vì sắc tố được trải rộng ra.
Đó là lý do tại sao một số người cho rằng màu mắt của họ thay đổi khi họ tức giận hoặc đang yêu.
Màu mắt cũng có thể thay đổi theo tuổi tác. Điều này xảy ra với 10-15% dân da trắng (những người thường có màu mắt sáng hơn).
Fromer cho biết “Tuy vậy, bất kể là mống mắt giãn ra hay bị ép lại, sẽ rất bất hợp lý nếu con người có màu mắt giống với mắt cú mèo hoặc mắt mèo. Để có thể có màu sắc cực đoan như vậy thì đỏi hỏi phải có những điểm dị biệt đáng kể với những màu sắc bất thường để con người có thể tìm thấy nhau và kết hợp. Tất nhiên, điều này là hoàn toàn không thể”.
Anh Thư (Tổng hợp)