1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Suy giảm miễn dịch là gì và vì sao nó làm tăng nguy cơ nhiễm virus corona?

(Dân trí) - Suy giảm miễn dịch là một thuật ngữ rộng nói về tình trạng hệ miễn dịch của một người không đủ mạnh và cân bằng như cần thiết.

Do hệ miễn dịch của những người này yếu hoặc hoạt động không hiệu quả nên họ không thể chống lại sự xâm nhập và gây hại của các yếu tố ngoại lai, như là virus SARS-CoV-2 gây ra Covid-19.

Phản ứng của hệ miễn dịch yếu khiến cho người đó dễ bị nhiễm bệnh, nhưng các triệu chứng nặng ở một số người lại thực sự xảy ra do phản ứng miễn dịch thái quá trên toàn bộ cơ thể. Lý do của hiện tượng này thì có rất nhiều và rất phức tạp.

Đâu là nguyên nhân dẫn đến hệ miễn dịch suy giảm?

Suy giảm miễn dịch nguyên phát có ở một số người bẩm sinh đã mang những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hệ miễn dịch. Những trường hợp này rất hiếm và thường được chẩn đoán sớm. Họ có thể thuộc các trường hợp sau: suy giảm miễn dịch thông thường, suy giảm miễn dịch nặng phức tạp và suy giảm miễn dịch di truyền liên kết giới tính.

Suy giảm miễn dịch thứ phát thường gặp hơn và là hậu quả của các yếu tố bên ngoài, ví dụ như tiếp xúc với yếu tố độc hại trong môi trường như thuốc sâu, kim loại nặng, hóa chất có nguồn gốc từ dầu mỏ và không khí bị ô nhiễm như khói thuốc lá chẳng hạn. Những yếu tố này có thể làm giảm hiệu quả hoạt động của hệ miễn dịch, cụ thể là trên bề mặt phổi. 

Ăn uống không đủ chất, lạm dụng rượu và chất kích thích, như ma túy, cũng có thể làm suy giảm miễn dịch; phải dùng nhiều thuốc chữa bệnh, có tuổi và thậm chí là mang thai cũng là những yếu tố có thể gây tổn hại cho hệ miễn dịch.

Bị bệnh và tổn thương

Một số bệnh và tổn thương có thể làm một người bị suy giảm miễn dịch. Đây là những trường hợp suy giảm miễn dịch thứ phát, bao gồm hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) do bị virus HIV tấn công, do bị bỏng nặng hoặc do lá lách không làm việc. Lá lách là bộ phận thiết yếu trong việc lọc máu và điều phối phản ứng miễn dịch.

Suy giảm miễn dịch là gì và vì sao nó làm tăng nguy cơ nhiễm virus corona? - 1
Hóa trị thậm chí còn làm hệ miễn dịch suy yếu nhiều hơn.

Các bệnh ung thư tủy xương và tế bào máu trắng cũng có thể gây ra suy giảm miễn dịch. Phương pháp điều trị thông thường cho các bệnh này là dùng hóa trị để tiêu diệt các tế bào máu trắng. Phương pháp này thậm chí còn làm hại cho hệ miễn dịch nhiều hơn chính căn bệnh.

Những thông tin ban đầu về một số ít bệnh nhân ung thư ở Trung Quốc bị Covid-19 cho thấy họ có nguy cơ nhiễm virus corona và diễn biến bệnh nặng hơn. 

Thuốc chữa

Giống như hóa trị, các biện pháp khác có thể gây ra tình trạng suy giảm miễn dịch. Các thuốc này được gọi là thuốc ức chế miễn dịch.

Những người ghép tạng là một nhóm người cần sử dụng thuốc này để cho hệ miễn dịch kém đi và không phản ứng lại, không đào thải tạng ghép vào.

Những người mắc bệnh tự miễn dịch, là bệnh khiến cho hệ miễn dịch tấn công chính tế bào của cơ thể, cũng phải sử dụng thuốc này. Khoảng 2-7% dân số thế giới mắc bệnh tự miễn dịch, ví dụ như đa xơ cứng, tiểu đường tuýp I, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp và hội chứng Sjögren.

Hiện nay vẫn còn quá sớm để biết được ảnh hưởng của các thuốc ức chế miễn dịch lên bệnh nhân Covid-19, nhưng bằng chứng giai thoại về tác dụng của các thuốc này thì đã có ở nhiều nơi.

Chẳng hạn ở miền Bắc nước Ý, các bác sĩ đã dùng thuốc này để chữa Covid-19 cho hai người được ghép thận. Hai người này bình thường đã dùng các thuốc ức chế miễn dịch phổ rộng, thì nay các bác sĩ chuyển cho họ dùng các thuốc đặc trị hơn để ức chế những phần của hệ miễn dịch có biểu hiện hoạt động không bình thường do Covid-19. Một người đã bình phục, còn người kia thì không.

Steroids là những thuốc ức chế miễn dịch phổ biến nhất. Có khoảng 1-2% dân số ở các nước phát triển dùng các thuốc này, và tỷ lệ này ở các nước đang phát triển cao hơn nhiều do thiếu các loại thuốc đặc trị hơn.

Hiện nay các chuyên gia đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng để đánh giá các thuốc steroids này có thực sự bảo vệ được con người khi họ có phản ứng miễn dịch thái quá do mắc Covid-19 hay không. Nhưng cho đến khi có kết quả thì việc sử dụng các thuốc steroids không được khuyến nghị cho điều trị căn bệnh này.

Độ tuổi

Độ tuổi là một yếu tố cơ bản cần cân nhắc khi đánh giá hệ miễn dịch và khả năng hoạt động tối ưu của hệ miễn dịch.

Trẻ sơ sinh không có hệ miễn dịch hoàn chỉnh để bảo vệ bé khỏi những yếu tố ngoại lai xâm nhập vào cơ thể. Trong điều kiện như vậy, sữa mẹ là nguồn kháng thể quý giá giúp bé chống lại các virus độc hại.

Suy giảm miễn dịch là gì và vì sao nó làm tăng nguy cơ nhiễm virus corona? - 2
Kháng thể trong sữa mẹ giúp trẻ nhỏ chống lại bệnh lây nhiễm.

Người già cũng được coi là người bị suy giảm miễn dịch, do đó họ dễ bị nhiễm virus corona hơn. Covid-19 có thể trở thành bệnh nặng đối với những người già có bệnh nền vốn làm suy yếu tim và phổi, những bộ phận dễ bị virus corona mới gây tổn thương.

Mang thai

Tình trạng mang thai cũng làm yếu hệ miễn dịch của người phụ nữ.

Trong quá trình tiến hóa, con người đã phát triển trạng thái ức chế hệ miễn dịch cần thiết cho việc mang thai. Đó là vì bên trong cơ thể người mẹ đang có một sinh vật mà cơ thể người mẹ cho là yếu tố ngoại lai vì thai nhi còn mang cả DNA của người cha chứ không chỉ của người mẹ. Việc ức chế hệ miễn dịch một cách tự nhiên trong quá trình mang thai làm cho hệ miễn dịch của người mẹ ngừng đào thải em bé.

Đáng mừng là những thông tin ban đầu về các trường hợp bà mẹ mang thai bị Covid-19 nặng là rất ít, mặc dù vẫn còn quá sớm để có bất kỳ kết luận nào. 

Cho đến nay các nghiên cứu đã có kết quả gì?

Có rất ít báo cáo từ nơi là điểm nóng Covid-19 cho biết những thông tin rất khác nhau về tỷ lệ nhiễm và mức độ trầm trọng của căn bệnh ở những người suy giảm miễn dịch.

Chúng ta thường lo ngại những người này dễ bị nguy hiểm khi mắc Covid-19 vì bình thường họ đã vốn dễ bị các bệnh do các virus khác gây ra cho đường hô hấp. Tuy nhiên, một bệnh nhân Covid-19 có bị nặng hay không là do có phản ứng miễn dịch thái quá hay không, trong khi những người suy giảm miễn dịch hiện nay lại không nằm trong số người bị Covid-19 nặng nhiều hơn các nhóm đối tượng khác.

Mặc dù vậy, vẫn cần phải theo dõi từng trường hợp một để rút ra những bằng chứng xem nhận định nói trên có đúng hay không.

Suy giảm miễn dịch là gì và vì sao nó làm tăng nguy cơ nhiễm virus corona? - 3
Người có hệ miễn dịch suy giảm có thể dễ bị nhiễm virus corona hơn nhưng ít bị bệnh nặng hơn.

Cho đến nay, ở một bệnh viện lớn ở Bergamo, Italia, một điểm nóng của đợt bùng phát Covid-19, chưa có bệnh nhân suy giảm miễn dịch nào mắc Covid-19 mà trở thành ca bệnh nặng.

Trong khi đó, một người phụ nữ 47 tuổi ở Vũ Hán, Trung Quốc, vốn sử dụng thuốc steroids để chữa bệnh lupus thì đã nhiễm virus corona và không hề có triệu chứng. Nhưng hệ miễn dịch suy giảm của bà không tiêu diệt được virus này một cách triệt để và bà đã lây cho bố và em gái trước khi được xét nghiệm. 

Những thông tin này cho chúng ta hy vọng rằng người suy giảm miễn dịch có thể không bị nguy hiểm đến mức như chúng ta thường nghĩ, nhưng họ vẫn có thể nhiễm virus và lây truyền cho người khác mà bản thân họ không hề có dấu hiệu gì của căn bệnh. 

Phạm Hường 

Theo The Conversation