Sức mạnh khủng khiếp của siêu bão Noru khi nhìn từ vệ tinh

Minh Khôi

(Dân trí) - Noru là một trong những cơn bão có tốc độ gió tăng nhanh nhất trong lịch sử khí tượng Trái Đất hiện đại, và đang "tàn phá" bờ biển miền Trung nước ta.

Sức mạnh khủng khiếp của siêu bão Noru khi nhìn từ vệ tinh - 1

Siêu bão Noru nhìn từ vệ tinh thời tiết Himawari-8 của Nhật Bản lúc 15:10 chiều ngày 27/9 (Ảnh: Tropicaltidbits).

Bão Noru hình thành ngày 22/9 từ một áp thấp nhiệt đới ở phía Đông Philippines. Sau 3 ngày khi áp sát đảo Luzon, áp thấp đã mạnh lên thành siêu bão với sức gió từ 185 đến 210 km/h. 

Siêu bão sau đó đi theo hướng Tây, tiến vào đất liền các tỉnh, thành phố Trung Trung Bộ nước ta, gây mưa rất lớn, kéo theo đó là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Các chuyên gia khí tượng đánh giá đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh. 

Thực tế do ảnh hưởng của bão Noru, từ chiều 25/9, vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 16. Sóng biển cao từ 6-8m, vùng gần tâm bão sóng biển cao từ 8-10m, biển động dữ dội. 

Theo Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp của Mỹ (JTWC), khi ở ngoài khơi biển Thái Bình Dương, sức gió cực đại của bão Noru tăng từ 80 km/h (cấp 9) vào ngày 24/9 lên 249 km/h (cấp 19) chỉ trong 24 giờ sau đó. Điều này khiến Noru lọt vào danh sách một trong những cơn bão có tốc độ gió tăng nhanh nhất trong lịch sử khí tượng Trái Đất hiện đại.

Sức mạnh khủng khiếp của siêu bão Noru khi nhìn từ vệ tinh - 2

Biểu đồ nhiệt cho thấy sức gió khủng khiếp của siêu bão Noru. Đây là một trong những cơn bão có tốc độ gió tăng nhanh nhất trong lịch sử khí tượng Trái Đất hiện đại (Ảnh: Tropicaltidbits).

Theo trang Zoom.earth, lúc 19h ngày 27/9, bão Noru có sức gió giảm xuống còn 195 km/h (cấp 16). Tuy nhiên đến tận 7h sáng ngày 28/9, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão dự kiến vẫn còn ở mức 165 km/h (cấp 14).

Lúc 23h ngày 27/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết đã đo được bão mạnh cấp 10, giật cấp 12, tăng một cấp so với thời điểm nhiều giờ trước đó. Các đảo cũng ghi nhận cấp bão tăng, như Cồn Cỏ cấp 7, giật cấp 9; Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng giật cấp 7.

Trước đó, để ứng phó cơn bão được đánh giá là mạnh nhất 20 năm qua, các tỉnh từ Quảng Bình tới Bình Thuận trong ngày 27/9 đã rà soát và sơ tán 868.230 dân. Các địa phương cũng tổ chức kêu gọi, kiểm đếm và hướng dẫn cho hơn 57.800 tàu với 300.000 lao động trú bão. Nhiều người dân trong vùng bị ảnh hưởng đã xuống hầm trú ẩn để tránh những thiệt hại mà cơn bão gây ra.

Sức mạnh khủng khiếp của siêu bão Noru khi nhìn từ vệ tinh - 3

Trên hình ảnh vệ tinh, mắt bão Noru rất rõ và sắc nét, hoàn lưu hẹp với mây bão xoắn mạnh. Đây là cấu trúc điển hình của những cơn siêu bão với sức gió mạnh mẽ (Ảnh: Tropicaltidbits).

Sức mạnh khủng khiếp của siêu bão Noru khi nhìn từ vệ tinh - 4

Ảnh chụp chuyển động của hải lưu tại vùng gần tâm bão (Ảnh: Tropicaltidbits).

Sức mạnh khủng khiếp của siêu bão Noru khi nhìn từ vệ tinh - 5

Các chuyên gia đánh giá, Noru có hình thái tương tự bão Xangsane đổ bộ Đà Nẵng - Quảng Nam tháng 9/2006; bão Ketsana vào Quảng Nam - Quảng Ngãi cuối tháng 9/2009.

Sức mạnh khủng khiếp của siêu bão Noru khi nhìn từ vệ tinh - 6

Sức mạnh bất ngờ của bão Noru khiến người dân tại nhiều khu vực ở Philippines không kịp trở tay (Ảnh: Tropicaltidbits).

Sức mạnh khủng khiếp của siêu bão Noru khi nhìn từ vệ tinh - 7

Hình ảnh vệ tinh cho thấy siêu bão Noru vào ngày 24/9, tại thời điểm cơn bão đang ở cường độ cực đại (Ảnh: NOAA).

Một báo cáo của Trung tâm Giải pháp Khí hậu và Năng lượng (C2ES) cho biết những thay đổi lâu dài của biến đổi khí hậu dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm tần suất, cường độ và tác động của các cơn bão, khiến chúng gây thêm nhiều thiệt hại khi đổ bổ vào đất liền. Trong đó, mực nước biển dâng là một yếu tố quan trọng làm tăng sức mạnh của các cơn bão.

Theo C2ES, mực nước biển trung bình trên thế giới hiện đã tăng hơn nửa feet (1 feet = 30,48 cm) kể từ năm 1900 và dự kiến sẽ tăng từ 1 đến 2,5 feet trong thế kỷ này do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Điều này làm tăng nguy cơ lũ lụt cho các khu vực ven biển khi gặp bão.

Ngoài ra, những thay đổi trong bầu khí quyển như sự ấm lên của Bắc Cực hay nhiệt độ tăng lên của các vĩ độ trung bình có thể làm thay đổi mô hình của các cơn bão nhiệt đới dẫn đến xuất hiện nhiều các cơn bão ở các vĩ độ cao hơn.

Một số chuyên gia khẳng định cách duy nhất để đảm bảo các đợt nắng nóng, hạn hán và bão không tăng lên trong tương lai là hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm