Sự tuyệt chủng của động vật có vú đang tăng tốc đến “làn sóng thứ hai”
(Dân trí) - Đối với con mắt của các loài động vật, sự xuất hiện của con người thể hiện nhiều mối đe dọa hiện hữu hơn là biến động môi trường rộng lớn của biến đổi khí hậu trước đó cho đến nay.
Theo một nghiên cứu mới, các vụ tuyệt chủng của động vật có vú cách đây 126.000 năm có liên quan nhiều hơn đến các tác động tiêu cực của con người hơn bất kỳ yếu tố khí hậu nào trong quá khứ.
Tệ hơn nữa, sự tồn tại của con người là một hiện tượng đang tăng tốc với tốc độ chưa từng thấy trong thời tiền sử, với tỷ lệ chết của các loài động vật có vú được tính toán thậm chí còn nhanh hơn đến thế kỷ XXII.
"Dựa trên các xu hướng hiện tại, chúng tôi dự đoán trong tương lai gần tỷ lệ leo thang ở mức độ chưa từng có", nhóm nghiên cứu, do nhà sinh vật học tính toán Tobias Andermann từ Đại học Gothenburg ở Thụy Điển giải thích.
Sử dụng suy luận Bayes, các nhà nghiên cứu tìm cách đánh giá thống kê xem liệu các loài động vật có vú bị tuyệt chủng trong suốt 126.000 năm qua, kể từ đầu kỷ Pleistocen muộn có nhiều khả năng là do con người hoặc do các yếu tố khí hậu hay không.
Trong khoảng thời gian đó, ít nhất 351 loài động vật có vú đã bị tuyệt chủng, mặc dù khoảng 80 loài trong số này đã thực sự chết chỉ trong nửa thiên niên kỷ qua hoặc lâu hơn, kể từ năm 1500 sau Công Nguyên.
Với các tính toán mới, nhóm nghiên cứu cho biết tỷ lệ tuyệt chủng hiện tại cao hơn khoảng 1.700 lần so với thời điểm bắt đầu của kỷ Pleistocen muộn.
Theo tỷ lệ mới, các nhà nghiên cứu nói rằng chúng ta có thể tiếp cận con số 351 cuộc tuyệt chủng được biết đến kể từ đó lặp lại chỉ sau 810 năm nữa, trong khi lần đầu tiên phải mất đến 126.000 năm.
Nhìn lại suốt quãng thời gian đó, dữ liệu cho thấy nguyên nhân giả thuyết lớn nhất của các cuộc tuyệt chủng trong quá khứ là do loài người, với mật độ dân số của con người giải thích các mô hình tuyệt chủng của động vật có vú với độ chính xác 96%, trong khi việc chiếm đất của con người dự đoán sự tuyệt chủng với 97,1% sự chính xác.
“Các công cụ dự báo khí hậu dẫn đến các giá trị có độ chính xác rất thấp, chẳng hạn như nhiệt độ toàn cầu với độ chính xác 63,6% và tốc độ thay đổi nhiệt độ với độ chính xác 60,2%. Trên thực tế, nguyên nhân của sự tuyệt chủng phức tạp hơn và không được cho là hoàn toàn phụ thuộc vào một biến số duy nhất. Tuy nhiên, kết quả của chúng tôi cho thấy rằng sự gia tăng dân số của con người và các quá trình liên quan có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự tuyệt chủng của động vật có vú, trong khi các mô hình khí hậu toàn cầu, như là cực đại băng hà cuối cùng, không để lại dấu vết thống kê trong hồ sơ tuyệt chủng", các tác giả viết.
Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể có một số yếu tố do con người gây ra, bao gồm vấn nạn săn bắn, sử dụng đất, thay đổi hệ sinh thái và các tác động theo tầng khác do tác động của con người lên thế giới tự nhiên.
Đáng báo động nhất là khi các nhà nghiên cứu mô hình hóa tương lai có thể trông như thế nào. Dự đoán có tới 558 loài mới tuyệt chủng vào cuối thế kỷ này, tại thời điểm đó tốc độ tuyệt chủng có thể nhanh hơn 30.000 lần so với đầu kỷ Pleistocen muộn.
"Vào năm 2100, chúng tôi dự đoán tất cả các khu vực trên thế giới sẽ bước vào làn sóng tuyệt chủng thứ hai, ở một số khu vực trên thế giới, quá trình chuyển đổi đã diễn ra rõ ràng. Chúng tôi nhận thấy rằng Úc và vùng Caribbean nói riêng ngày nay đã bước vào làn sóng tuyệt chủng thứ hai dựa trên những cuộc tuyệt chủng đã xảy ra trong những thập kỷ qua. Điều này cho thấy rằng, mặc dù tỷ lệ dự đoán trong tương lai của chúng tôi và tổn thất đa dạng sinh học liên quan là cao đáng kinh ngạc, nhưng chúng nằm trong một phạm vi thực tế, chúng ta đã có thể thấy những viễn cảnh tương lai này được thể hiện ở nhiều nơi trên thế giới”, các nhà nghiên cứu lo ngại.
Với bản chất trừu tượng cao của những mô phỏng này, không phải tất cả những dự đoán này đều có thể trở thành hiện thực. Đây chỉ là những ước tính dựa trên các phép tính toán học. Nhưng dù ở mức độ nào thì những con số khủng khiếp này cũng là một lời cảnh tỉnh, chúng ta không được trì hoãn hành động dựa trên những gì chúng ta có thể nhìn thấy bên trong nó.
“Chúng ta có thể cứu hàng trăm loài khỏi nguy cơ tuyệt chủng bằng các chiến lược bảo tồn có mục tiêu và hiệu quả hơn. Nhưng để đạt được điều này, chúng ta cần nâng cao nhận thức chung về sự leo thang của cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học và hành động để chống lại tình trạng khẩn cấp toàn cầu này. Thời gian đang rất cấp bách”, do nhà sinh vật học tính toán Tobias Andermann nhấn mạnh.