1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Sự thật phía sau dáng vẻ quái đản của cá biển sâu

Minh Khôi

(Dân trí) - Cá biển sâu đã phát triển những đặc điểm độc đáo để tận dụng thế mạnh tại môi trường sống khắc nghiệt nhất trên Trái Đất.

Sự thật phía sau dáng vẻ quái đản của cá biển sâu - 1

Cá rắn lục Sloane có hàm răng lớn và trong suốt cùng một dải cơ quan phát sáng gọi là tế bào quang dọc theo bụng. Đây là những đặc điểm giúp nó tồn tại dưới biển sâu (Ảnh: Getty).

Nhiều loài cá sinh sống dưới đáy đại dương có thể sẽ khiến bạn rùng mình khi nhìn thấy ngoại hình của chúng. Đến nỗi từng có giai đoạn, người ta phải dùng biệt danh "thủy quái" để nói về chúng.

Chúng ta đang nói về những con cá với chiếc mồm há ngoác, đôi mắt đục ngầu và lồi khỏi võng mạc, cơ thể phát sáng trong bóng tối, răng nanh nhọn hoắt chĩa ra bên ngoài.

Thế nhưng câu hỏi là tại sao những con cá này lại có những đặc điểm quái đản tới như vậy?

Theo Mary McCarthy, nhà sinh vật học dưới biển tại Thủy cung Vịnh Monterey, California, Mỹ, sự kỳ lạ của cá biển sâu phần lớn phản ánh môi trường khắc nghiệt mà chúng sinh sống.

"Biển sâu là một nơi thực sự khắc nghiệt để kiếm sống", McCarthy cho biết. "Rất nhiều loài động vật đã phải điều chỉnh một số thích nghi để tồn tại trong môi trường đó".

Nếu như hình ảnh đàn cá bơi lội tung tăng tại thủy cung, bên cạnh những rặng san hô, những ngôi sao biển... khiến bạn trầm trồ về vẻ đẹp nơi đáy biển, thì trên thực tế mọi thứ lại khắc nghiệt hơn thế.

Những sinh vật kỳ dị dưới đáy biển

Sự thật phía sau dáng vẻ quái đản của cá biển sâu - 2

Loài cá câu (chi Melanocetus ) sử dụng khả năng phát quang sinh học để thu hút con mồi dưới biển sâu (Ảnh: MBARI).

Ở độ sâu khoảng 200 mét dưới mặt nước, có rất ít hoặc hầu như không có ánh sáng. Nơi đây cũng có áp suất cao, nguồn thức ăn hạn chế, và lạnh hơn rất nhiều so với phần còn lại của đại dương. Ước tính, nhiệt độ trung bình chỉ trên mức đóng băng khoảng 4 độ C.

Do không có nhiều cơ hội để tìm kiếm thức ăn, những loài cá biển sâu đã phát triển một số đặc điểm giúp chúng bắt mồi. Một trong số đó là bộ hàm khổng lồ, rộng ngoác.

Thí dụ như loài cá rắn lục Sloane (Chauliodus sloani) có những chiếc răng nanh lớn đến mức không thể ngậm miệng lại. Bởi nếu làm vậy, chúng sẽ tự xuyên thủng não của mình.

Những chiếc răng sắc như dao cạo này cũng có màu sắc kỳ lạ, khi hoàn toàn trong suốt. Điều này giúp chúng giấu kín "vũ khí", khiến con mồi không kịp nhận ra trước khi quá muộn.

Các loài cá biển sâu khác như cá chình bồ nông (Eurypharynx pelecanoides) có chiếc miệng chiếm phần lớn cơ thể, giúp chúng có thể bắt và nuốt những con cá lớn.

Một số động vật ăn thịt dưới biển sâu lại có thứ vũ khí bí mật khiến chúng trở thành "thỏi nam châm" săn mồi. Đó là sự phát quang sinh học — hay khả năng tạo thành nguồn sáng.

Nổi tiếng nhất trong số này là "cá cần câu" - gồm hơn 200 bộ khác nhau - có khả năng dụ con mồi bằng cách sử dụng ánh sáng phát sáng trong bóng tối ở bộ phận tựa như chiếc cần câu gắn trên đầu của chúng.

Ánh sáng này thu hút các sinh vật biển nhỏ hơn tìm đến tại nơi nguồn thức ăn hạn chế. Trong khi những con mồi tội nghiệp nghĩ rằng chúng sắp nuốt chửng một sinh vật phát quang nhỏ bé, thì trên thực tế, chúng sắp trở thành bữa ăn của loài săn mồi đáng sợ.

Hầu hết những con cá này có màu xám đen, nâu sẫm, đầu to và miệng hình lưỡi liềm khổng lồ chứa đầy răng nhọn.

Một số loài cá biển sâu, chẳng hạn như cá rìu khổng lồ (Argyropelecus gigas ), có thể làm mờ ánh sáng để phù hợp với môi trường xung quanh. Đây là cơ chế giúp chúng vừa thu hút con mồi, nhưng cũng đồng thời ẩn nấp khỏi những kẻ thù tiềm năng.

Sự thật phía sau dáng vẻ quái đản của cá biển sâu - 3

Cá giọt nước sống ở độ sâu 1.525 mét dưới bề mặt nước biển (Ảnh: UW/NSF-OOI).

Sự phát ra, hoặc thay đổi ánh sáng này là kết quả của một phản ứng hóa học trong cơ thể của cá. Tại đó, một hợp chất phát sáng được gọi là "luciferin" kết hợp với "enzyme luciferase" để tạo ra một photon - hay hạt ánh sáng.

Một đặc điểm chung khác ở biển sâu là cấu trúc cơ thể yếu ớt của các loài động vật.

Nằm ở vùng biển bên ngoài Australia và Tasmania, "cá giọt nước" (Psychrolutes marcidus) sống ở độ sâu 600 - 1.200 mét, nơi áp suất có thể gấp hơn 100 lần áp suất trên bề mặt.

Để tồn tại trong môi trường khắc nghiệt này, cá giọt nước đã thích nghi với một cơ thể mềm mại khác thường, và không có một bộ xương đúng nghĩa.

Điều này khiến khi cá được đưa lên gần mặt nước, chúng sẽ xẹp xuống, tựa như một mớ hỗn độn sền sệt. Đây cũng là lý do chúng được mệnh danh "loài động vật xấu xí nhất thế giới" vào năm 2013.

Kỳ lạ hay tầm thường?

Tuy nhiên, tất cả những đặc điểm này là hoàn toàn bình thường, không hề quái đản đối với chúng. Giống như việc những sinh vật dưới biển sâu có thể đặt câu hỏi tương tự, khi chúng nhìn thấy những cư dân sống trên đất liền.

"Môi trường biển sâu rất tối, lạnh, lại có lượng oxy thấp, áp suất cao, nên nó sẽ khác với những gì mà chúng ta quen thuộc", McCarthy lý giải. "Đó là các đặc điểm kỳ lạ đối với chúng ta, nhưng lại vô cùng bình thường đối với chúng".

Theo www.livescience.com