Sự thật ít người biết về những bức tượng Nhân Sư ở Ai Cập

(Dân trí) - Tượng nhân sư được xem là một trong những công trình biểu tượng của nền văn minh Ai Cập cổ đại. Xung quanh bức tượng đầu người mình sư tử này là những bí ấn chưa có lời giải, vẫn thách thức các nhà khảo cổ học trên khắp thế giới suốt hàng trăm năm qua.

Tượng đá có kích thước lớn nhất từng được xây dựng

Bức tượng Nhân Sư đầu tiên của Ai Cập được cho là có từ thời vua Khafre, tức là từ năm 2500 TCN. Nếu điều này là sự thật, thì tượng Nhân Sư chính là tượng đài lâu đời nhất thế giới. Ngoài ra, với kích thước cao 20 mét và dài 73 mét thì tượng Nhân Sư ở Giza cũng soán ngôi vị tượng đài bằng đá lớn nhất từng được xây dựng bởi con người.

Thậm chí, cho đến ngày nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích được cụ thể cách mà những người Ai Cập cổ đại, với kỹ thuật thô sơ có thể xây dựng nên công trình đồ sộ này.

Sự thật ít người biết về những bức tượng Nhân Sư ở Ai Cập - 1

Vì sao tượng nhân sư bị mất chiếc mũi

Nếu quan sát kỹ bức tượng Nhân Sư tại Giza, Ai Cập, bạn sẽ thấy rằng, nó đã bị mất đi phần mũi. Thời gian trước, nhiều người cho rằng Hoàng đế Pháp Napoleon đã phá hủy chiếc mũi của tượng Nhân Sư bằng đại bác, khi đội quân của ông tiến tới Cairo, Ai Cập năm 1798.

Tuy nhiên, nhiều tài liệu và các nghiên cứu gần đây lại chỉ ra rằng, chiếc mũi này đã bị mất đi từ rất lâu trước khi Napoleon chào đời. Cụ thể là vào năm 1378, Muhammad Sa'im al-Dahr, một tín đồ hồi giáo đã phá hủy chiếc mũi của Nhân Sư, khi ông trông thấy người dân quá sùng bái bức tượng này.

Sự thật ít người biết về những bức tượng Nhân Sư ở Ai Cập - 2

Tượng Nhân Sư từng có nhiều tên gọi khác nhau

Tượng Nhân Sư là một trong những công trình bí ẩn nhất của Ai Cập nói riêng và cả thế giới nói chung. Thậm chí, bức tượng này không hề được nhắc đến trong bất kỳ văn bản nào của Vương quốc Ai Cập cổ đại. Tới tận thời kỳ “Tân vương quốc”, tượng Nhân Sư mới được xuất hiện với tên gọi “Hor-em-akhet” (dịch nghĩa: trên đường chân trời).

Tên gọi “Nhân Sư” hay theo tiếng Anh là “Sphinx” được đặt vào thời điểm 2000 năm sau khi bức tượng được xây dựng, dựa vào tên của một con vật trong thần thoại Hy lạp có những nét tương đồng về hình dáng như thân sư tử, đầu người.

Sự thật ít người biết về những bức tượng Nhân Sư ở Ai Cập - 3

Sự tích về các câu đố của Nhân Sư

Có rất nhiều truyền thuyết về hình tượng Nhân Sư. Ở Ai Cập, Nhân Sư được cho là hiện thân của vị thần mặt trời Harmachis có khả năng xua đuổi tất cả những điều đen tối. Tuy nhiên, sự tích về Nhân Sư ở Hy Lạp lại có phần nổi tiếng hơn, theo đó Nhân Sư hay Sphinx sống trên một tảng đá và giết bất cứ người nào đi qua mà không trả lời được câu đố sau đây: “Cái gì buổi sáng đi bằng bốn chân, buổi trưa đi bằng hai chân và buổi tối đi bằng ba chân”.

Truyền thuyết cũng kể lại rằng, chàng thanh niên có tên Ocdipus là người đã trả lời được câu hỏi “hóc búa” này của Nhân Sư với đáp án là con người (Con người khi sinh ra bò bằng cả chân và tay, lúc trưởng thành đi bằng hai chân và khi về già thì chống thêm một cây gậy).

Sự thật ít người biết về những bức tượng Nhân Sư ở Ai Cập - 4

Tượng Nhân Sư từng rất “màu mè”

Khi nhắc đến Nhân Sư, chúng ta thường liên tưởng ngay tới một bức tượng khổng lồ có màu vàng cát. Tuy nhiên, liệu bạn có tin được rằng, vào thời điểm mới xây dựng, công trình này lại hết sức “sặc sỡ”. Bằng chứng là các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các màu sơn còn sót lại trên bức tượng như màu đỏ ở phần đầu và màu xanh, vàng ở phần thân.

Sự thật ít người biết về những bức tượng Nhân Sư ở Ai Cập - 5

Thảo Vy

Theo The Richest

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm