Sự sống cổ đại trên Sao Hỏa có thể đã bị phá hủy hoàn toàn
(Dân trí) - Trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature Journal Scientific Reports, các nhà khoa học đã đưa giả thuyết cho rằng axit có thể đã phá hủy mọi bằng chứng về sự sống cổ đại trên Sao Hỏa.
Thí nghiệm mới của các nhà khoa học lý giải khó khăn vì sao không thể tìm thấy bằng chứng về sự sống trên Sao Hoả.
Lập luận của các nhà nghiên cứu đưa ra đó là chất lỏng có tính axit trong đất sét trên Sao Hỏa có thể làm tan biến bằng chứng về sự sống sinh vật. Đây cũng là nguyên nhân giải thích tại sao rất khó tìm thấy sự sống trên hành tinh này.
Trước đó, đất Sao Hỏa từ lâu đã được nhắm đến như một chất có thể bảo vệ bằng chứng về vật chất hữu cơ nếu nó từng có mặt trên hành tinh Đỏ
Tàu thám hiểm Perseverance của NASA thậm chí còn được giao nhiệm vụ hạ cánh xuống miệng núi lửa Jezero trên Sao Hỏa vào tháng 2 năm 2021 để thu thập các mẫu đất sét. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy, ngay cả khi có đất trên Sao Hỏa để kiểm tra, nó có thể không thể cung cấp bằng chứng mà chúng ta đang hy vọng.
Alberto Fairén, một trong những tác giả nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi biết rằng chất lỏng có tính axit đã chảy trên bề mặt Sao Hỏa trong quá khứ, làm thay đổi đất sét và khả năng bảo vệ các chất hữu cơ của nó”.
Các nhà nghiên cứu đã mô phỏng bề mặt Sao Hỏa trong một loạt thí nghiệm để thử và chứng minh quan điểm. Họ cũng cố gắng bảo tồn một axit amin gọi là glycine bên trong đất sét đã tiếp xúc với chất lỏng có tính axit. Glycine được tìm thấy trong mọi sinh vật sống trên Trái đất.
Fairén giải thích về thử nghiệm: "Chúng tôi đã sử dụng glycine vì nó có thể bị phân hủy nhanh chóng trong điều kiện môi trường của hành tinh Đỏ. Đó là nguồn cung cấp thông tin hoàn hảo để cho chúng tôi biết những gì đang diễn ra bên trong các thử nghiệm.
Khi đất sét tiếp xúc với chất lỏng có tính axit, các lớp sẽ sụp đổ và các chất hữu cơ không thể được bảo quản. Chúng sẽ bị phá hủy. Kết quả nhận được giải thích tại sao việc tìm kiếm các hợp chất hữu cơ trên Sao Hỏa lại khó khăn đến vậy”.