Sứ mệnh cảm tử của NASA tạo ra hiện tượng tự nhiên ngoạn mục

Minh Khôi

(Dân trí) - Sứ mệnh DART thành công vô tình tạo nên một hiện tượng thiên văn kỳ thú khi quan sát tiểu hành tinh Dimorphos di chuyển trên bầu trời.

Sứ mệnh cảm tử của NASA tạo ra hiện tượng tự nhiên ngoạn mục - 1

Hình ảnh được quan sát từ kính viễn vọng SOAR cho thấy tiểu hành tinh Dimorphos kéo theo một "cái đuôi" như một ngôi sao chổi (Ảnh: NOIRLab).

Ngày 27/9 theo giờ Việt Nam, tàu vũ trụ không người lái DART đã đâm trực diện vào tiểu hành tinh có tên là Dimorphos với tốc độ gần 24.000 km/h, qua đó hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cảm tử được NASA giao phó.

Sau khi sứ mệnh thành công, các nhà khoa học đã liên tục theo dõi những chuyển động của Dimorphos, nhằm đo lường những tác động mà DART đã tạo ra cho tiểu hành tinh nằm cách Trái Đất 11.000.000 km.

Mới đây, một hình ảnh thú vị về Dimorphos đã được chụp lại bởi Kính viễn vọng Nghiên cứu Vật lý Thiên văn Phương Nam (SOAR) dài 4,1 mét, nằm trên núi Cerro Pachón, Chile ở độ cao 2.738 mét

Chia sẻ trên mạng xã hội, các nhà thiên văn học tại Đài quan sát Lowell (Mỹ), bày tỏ sự phấn khích khi họ chứng kiến Dimorphos kéo theo phía sau một dải ánh sáng có thể lên tới hàng nghìn km.

Nhiều người đã gọi vui đó là "cái đuôi" vừa mọc ra từ Dimorphos sau khi xảy ra va chạm, khiến nó trông giống với một ngôi sao chổi.

Sứ mệnh cảm tử của NASA tạo ra hiện tượng tự nhiên ngoạn mục - 2

Đồ họa mô phỏng va chạm của DART với tiểu hành Dimorphos (Ảnh: NASA).

Theo các nhà khoa học, phần đuôi này được tạo thành từ bụi và các mảnh vỡ bị thổi bay khỏi bề mặt Dimorphos sau khi xảy ra một va chạm có chủ đích với tàu vũ trụ DART.

"Thật đáng kinh ngạc khi chúng ta có thể nắm bắt được cấu trúc và mức độ hậu quả xảy ra rõ ràng như thế nào chỉ vài ngày sau vụ va chạm", Teddy Kareta, nhà thiên văn học tại Đài quan sát Lowell cho biết.

Dựa vào tốc độ vật chất được phóng ra, cũng như kích thước của các hạt, các nhà khoa học có thể xác định rõ hơn về cấu trúc và bản chất bề mặt của tiểu hành tinh Dimorphos.

Từ đó, các cơ quan vũ trụ như NASA có thể bảo vệ Trái Đất khỏi những cuộc công kích từ tiểu hành tinh nhờ hiểu rõ hơn về cấu trúc và thành phần của chúng để lên phương án đối phó.

Theo www.space.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm