Sự kiện "siêu lây lan" Covid-19, câu hỏi đáng giá hàng triệu USD

Việc một người mang mầm bệnh Covid-19 có thể lây nhiễm cho hàng chục, thậm chí là hàng trăm người khác hay còn gọi là sự kiện “siêu lây lan”, được cho là tình huống nguy hiểm nhất trong đại dịch.

Các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang nỗ lực tìm nguyên nhân của tình trạng này.

Nhiều sự kiện “siêu lây lan” Covid-19 đã được ghi nhận trên toàn thế giới, từ các bữa tiệc, đám cưới, nghi lễ tôn giáo, khu chợ dân sinh, nhà máy chế biến thực phẩm… làm bùng phát những ổ dịch nguy hiểm.

Tuy nhiên, trong khi một số người dường như rất dễ lây nhiễm virus cho người khác, tạo ra “siêu lây lan” thì hầu hết những người khác chỉ lây Covid-19 cho 1 – 2 người khi tiếp xúc.

“Có một tỷ lệ rất nhỏ những người đã lây nhiễm Covid-19 cho rất nhiều người”, tiến sĩ Joshua Schiffer – chuyên gia tại Trung tâm y tế Joshua Schiffer, Mỹ – nhận xét.

Theo các nhà khoa học, việc tìm ra nguyên nhân dẫn đến “siêu lây lan” Covid-19 là một trong những “chìa khóa” ngăn chặn, đẩy nhanh tiến trình chấm dứt đại dịch.

“Đó là một câu hỏi trị giá hàng triệu USD”, Ayesha Mahmud – chuyên gia y tế tại Đại học California – nói.

Tiến sĩ Joshua Schiffer và nhóm nghiên cứu của ông cho rằng, sự kiện “siêu lây lan” Covid-19 xảy ra khi một người đang trong thời điểm dễ lây virus nhất, kết hợp với môi trường thích hợp cho sự lây lan cùng nhiều người khác xung quanh.

Sự kiện siêu lây lan Covid-19, câu hỏi đáng giá hàng triệu USD - 1

“Siêu lây lan” Covid-19 có thể đến từ sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau (ảnh: SCMP)

Theo ông Joshua Schiffer, khoảng thời gian bệnh nhân Covid-19 dễ lây cho người khác nhất kéo dài từ 1 – 2 ngày trong tuần đầu tiên bị nhiễm virus.

“Sau thời gian này, virus vẫn có thể lây lan và điều cần thiết là chúng ta nên giữ khoảng cách, đeo khẩu trang đầy đủ”, ông Joshua Schiffer nói.

“Phần lớn các sự kiện siêu lây lan xuất hiện khi một người bị nhiễm virus nhưng không biết mình mắc Covid-19. Họ không cảm thấy triệu chứng nào bất thường”, Shweta Bansal – chuyên gia dịch tễ từ Đại học Georgetown – nhận xét.

“Một số người vô tình trở thành ‘xe tải virus’. Họ không bị hạn chế tiếp xúc với người khác và gây ra sự bùng phát của ổ dịch. Sai nơi, sai thời điểm là tiền đề để gây ra siêu lây lan”, chuyên gia Shweta Bansal nói.

Theo tiến sĩ Joshua Schiffer, nguyên nhân gây ra “siêu lây lan” chủ yếu đến từ hoàn cảnh tiếp xúc hơn là yếu tố sinh học con người.

“Kể cả bạn đang trong thời gian dễ lây Covid-19 cho người khác nhất, bạn cũng không thể gây ra siêu lây lan nếu không đến chỗ đông người. Nếu buộc phải tới nơi đông đúc, bạn nên đeo khẩu trang. Điều đó giúp bảo vệ chính bạn và những người xung quanh”, ông Schiffer kết luận.