1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Sử dụng ứng dụng điện thoại để phát hiện rò rỉ trên hệ thống cấp nước

(Dân trí) - Chiều 6/6, Đại sứ quán Thủy Điển đã tổ chức buổi lễ công bố kết quả cuộc thi toàn quốc về “Sáng tạo thông minh về Nước 2016”. Với ý tưởng sử dụng ứng dụng của điện thoại di động để phát hiện rò rỉ trên hệ thống cấp nước, nhóm sinh viên ĐH Bách khoa TPHCM đã chiến thắng ở cuộc thi năm nay.

Cuộc thi “Sáng tạo thông minh về Nước” đã được triển khai từ đầu năm thu hút sự quan tâm sâu sắc của các bạn trẻ Việt Nam trên toàn quốc nhằm tìm kiếm các giải pháp giải quyết những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay trong lĩnh vực nước và trong tương lại. Đội chiến thắng ở cuộc thi năm nay gồm các bạn Trịnh Quốc Anh, Nguyễn Trần Quang Khải và Võ Phi Long đến từ ĐH Bách khoa TPHCM. Ý tưởng của nhóm là sử dụng ứng dụng của điện thoại di động để phát hiện rò rỉ trên hệ thống cấp nước.

Giải nhất của cuộc thi cho đội chiến thắng là một chuyến đi Thụy Điển và tham dự chương trình Tuần lễ nước Thế giới tổ chức hàng năm tại thủ đô Stockholm từ ngày 27/8-2/9/2016.

Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander chúc mừng 3 sinh viên ĐH Bách khoa TPHCM
Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander chúc mừng 3 sinh viên ĐH Bách khoa TPHCM

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander cho biết: “Chúng tôi ghi nhận những cam kết của Việt Nam qua Hội nghị khí hậu tại Paris và Chương trình nghị sự 2030, và chúng tôi sẽ luôn luôn sẵn sang trao đổi những ý tưởng, giải pháp mới với Việt Nam trong lĩnh vực mà chúng tôi hiện đang đi đâu là đổi mới sáng tạo. Cuộc thi sáng tạo nước thông minh đã được một cách tiếp cận như vậy. Chúng tôi hy vọng rằng đội chiến thắng sẽ học hỏi và tiếp thu nhiều kiến thức mới từ Tuần lễ Nước Thế giới tại Stockholm và tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong tương lai cho một thế giới bền vững hơn”

“Không một quốc gia hay xã hội nào có thể tránh khỏi những tác động của lĩnh vực nước và nước đã trở thành một trong những nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm trên thế giới. Các quốc gia và dân tộc có thể khác nhau, nhưng chúng ta có cùng một điểm chung: Chúng ta không thể sống, tồn tại mà không có nước. Chúng ta cần phải sử dụng tất cả các công cụ có sẵn như: thương mại, đầu tư, trao đổi ý tưởng và kiến thức, chuyển giao công nghệ, hợp tác giữa các học giả, các bạn trẻ, các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách, giữa Thủy Điển, Việt Nam và với cộng đồng quốc tế để tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất” - Bà Camilla Mellander nhấn mạnh.

Đại diện cơ quan đồng phối hợp tổ chức cuộc thi, đại diện đến từ Cục Quản lý Tài nguyên Nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết thêm: Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm của các trường đại học trên toàn quốc; và không chỉ bó hẹp tại các trường có đào tạo chuyên sâu về ngành nước mà còn mở rộng tại các trường khoa học, công nghệ khác như ĐH Quốc gia, ĐH Bách khoa, ĐH Kiến trúc Hà Nội. Đề xuất của các đội gửi về đã cho thấy tư duy phát triển công nghệ gắn liền với cuộc sống.


Em Trịnh Quốc Anh (áo đen) chia sẻ về ý tưởng của nhóm

Em Trịnh Quốc Anh (áo đen) chia sẻ về ý tưởng của nhóm

Chia sẻ tại buổi lễ nhận giải, em Trịnh Quốc Anh tâm sự: Ý tưởng bọn em đưa ra nhằm mục đích xây dựng cả cộng đồng trong việc bảo vệ và tiết kiệm nguồn nước. Với việc sự dụng điện thoại thông minh có kết nối thông qua một hệ thống cảnh báo thì rất dễ để thông báo cho cơ quan quản lý về sự cố đường ống nhằm sớm khắc phục. Chúng ta chỉ cần chụp ảnh ở vị trí xảy ra sự cố là ngay lập tức những người quản lý đường ống có thể xác định được thông qua định vị GPS.

Nguyễn Hùng