Sống thành bầy lớn giúp tăng cường trí thông minh của chim ác là
(Dân trí) - Những con chim ác là sống thành bầy lớn có khả năng nhận thức cao hơn, và đặc biệt, những con chim cái thông minh hơn sinh sản nhiều hơn.
Theo một nghiên cứu mới, việc trưởng thành trong một bầy chim lớn khiến chim ác là Úc thông minh hơn.
Bằng cách dùng bốn chỉ tiêu để kiểm tra trí thông minh, các nhà khoa học thuộc Đại học Exeter và Đại học Tây Úc đã phát hiện ra rằng những con chim ác là Úc hoang dã thuộc những bầy lớn hơn có “khả năng nhận thức cao”.
Nghiên cứu này cũng phát hiện ra những con chim cái thông minh hơn sinh sản nhiều hơn.
Nghiên cứu đó cho thấy rằng những nhu cầu của việc sống trong những bầy phức tạp có lẽ góp phần vào việc phát triển trí thông minh.
Tiến sĩ Alex Thornton, đến từ Trung tâm Sinh thái và Bảo tồn thuộc Đại học Exeter, Khuôn viên Penryn, Cornwall cho biết: “Chim ác là Úc - có nguồn gốc từ Tây Úc, nơi chúng tôi tiến hành nghiên cứu – sống thành những bầy ổn định. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những cá thể sống trong những bầy lớn hơn trong tự nhiên có khả năng nhận thức khá cao, điều này liên quan tới sự nâng cao khả năng sinh sản thành công. Việc thử nghiệm liên tiếp ở những con chim chưa trưởng thành thuộc những độ tuổi khác nhau cho thấy rằng mối quan hệ giữa kích cỡ bầy đàn và trí thông minh đã có từ sớm”.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 14 nhóm chim ác là Úc hoang dã (phân loài Tây Úc Cracticus tibicen dorsalis) ở Perth, với số lượng từ 3 – 12 con trên một bầy.
Khả năng nhận thức của mỗi con chim ác là được kiểm tra thông qua bốn nội dung, bao gồm một bài kiểm tra mà chúng phải học cách ghép một màu cụ thể với một món ăn, một bài kiểm tra trí nhớ trong đó thức ăn được giấu ở cùng một chỗ nhiều lần.
Còn có một bài kiểm tra kiểm soát bản thân, trong đó những con chim ác là phải ngừng mổ trực tiếp vào thức ăn qua một tấm ngăn trong suốt và thay vào đó chúng phải đi vòng qua hai bên ống để lấy thức ăn.
Kiểm tra trí thông minh của chim ác là Úc.
Nhà nghiên cứu đứng đầu, Tiến sĩ Ben Ashton, đến từ Đại học Tây Úc cho biết: “Những thử thách của việc sống trong những bầy đàn phức tạp từ lâu đã được cho là kích thích sự phát triển nhận thức. Tuy nhiên, bằng chứng chứng minh điều này còn gây tranh cãi, và gần đây đang gây nhiều nghi vấn”.
Ông bổ sung: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy môi trường bầy đàn đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển nhận thức. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những con cái thực hiện tốt bốn nhiệm vụ kiểm tra khả năng nhận thức có nhiều hậu duệ hơn, cho thấy có khả năng việc chọn lọc tự nhiên phụ thuộc vào nhận thức. Những kết quả này đều chứng minh cho quan điểm rằng môi trường bầy đàn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nhận thức”.
Lộc Xuân (Theo Science Daily)