1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

"Sốc" trước tấm ảnh Trái đất tươi đẹp nhìn chẳng khác gì sao Hỏa cằn cỗi

(Dân trí) - Một hình ảnh được Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) công bố cho thấy Trái đất đang bị tổn thương nghiêm trọng.

Sốc trước tấm ảnh Trái đất tươi đẹp nhìn chẳng khác gì sao Hỏa cằn cỗi - 1

Trái đất trông giống sao Hỏa trong một số bức ảnh do phi hành gia chụp từ Trạm Vũ trụ Quốc tế. Ảnh: ESA/NASA

Trái đất và sao Hỏa luôn được coi là thái cực khác nhau. Theo đó, sao Hỏa là hành tinh khô hạn, nhiều bụi, có màu hơi đỏ, còn Trái đất là hành tinh xanh, nơi sự sống ngự trị và có vẻ đẹp bậc nhất trong hệ Mặt trời của chúng ta.

Tuy nhiên, một hình ảnh được Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) công bố mới đây cho thấy Trái đất trông rất giống sao Hỏa khi nhìn từ một góc độ nhất định. 

"Không có một đám mây nào trong tầm mắt. Chỉ còn lại những màu đỏ của hoàng thổ trải dài đến chân trời. Đây giống như cái cách mà tàu thăm dò Perseverance nhìn thấy sao Hỏa" - nhà du hành vũ trụ Thomas Pesquet - cũng là chủ nhân của bức ảnh chia sẻ. 

"Tôi đã phải chụp hai lần khi nhìn thấy khung cảnh này: Không phải sao Hỏa mà là hành tinh tuyệt vời của chúng ta!", Pesquet bình luận trong một bài đăng trên mạng xã hội. 

Dẫu vậy theo một số bình luận, bức ảnh của Thomas Pesquet vẫn để lộ những đám mây ở phía bên phải và vùng màu xanh lam uốn lượn trên cùng. Đây là những dấu hiệu cho thấy bầu khí quyển đặc trưng Trái đất. 

Dẫu vậy, bằng chứng này khiến chúng ta phần nào cảm nhận được mối lo ngại của biến đổi khí hậu mà Trái đất đang phải đối mặt, cụ thể ở đây là tình trạng sa mạc hóa.

Sốc trước tấm ảnh Trái đất tươi đẹp nhìn chẳng khác gì sao Hỏa cằn cỗi - 2

So sánh bề mặt sao Hỏa và Trái đất khi nhìn từ vệ tinh.

Sa mạc hóa (hay hoang mạc hóa) là hiện tượng suy thoái đất đai ở những vùng khô cằn, gây ra bởi sinh hoạt con người và biến đổi khí hậu. Khuynh hướng sa mạc hóa gần đây đã tăng nhanh trên toàn thế giới phần vì áp lực dân số và nhu cầu trồng trọt và chăn nuôi.

Trong các nguyên nhân gây ra nạn sa mạc hóa, phần lớn là do tác động của con người từ khoảng 10.000 năm nay. Việc lạm dụng đất đai trong các ngành chăn nuôi gia súc (nhất là mục súc), canh tác ruộng đất, phá rừng, đốt đồng, trữ nước, khai giếng, tăng độ mặn của đất và biến đổi khí hậu toàn cầu đã góp sức làm sa mạc hóa nhiều vùng trên Trái đất.

Mặc dù những vùng khô cằn vẫn có thể canh tác được, nhưng đất khô của hoang mạc dễ bị gió biến thành bụi. Ngoài ra, còn xảy ra tình trạng thiếu bóng rợp, nước trong lòng đất mau bốc hơi, lưu lại chất muối làm tăng độ mặn của đất. Quá trình này làm đất thêm cằn cỗi, cây cỏ không mọc được và tốc độ suy thoái càng nhanh khi khí hậu trong vùng bị biến đổi với lượng mưa càng ít đi.

Được biết, Pesquet là một trong các phi hành gia tham gia sứ mệnh SpaceX Crew-2, và đã cập bến tại Trạm vũ trụ quốc tế ISS vào tháng 4. Gần đây, ông bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến các vùng sa mạc của Trái đất, và đã chụp được "Con mắt của Sahara" - một cấu trúc địa chất dạng vòm nổi tiếng ở Mauritania, Châu Phi.