1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Sở hữu trí tuệ và góc nhìn cận cảnh trong lĩnh vực thể thao

(Dân trí) - Chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới năm 2019 là “Vươn tới Giải Vàng: Sở hữu trí tuệ và thể thao” đã đưa ra một góc nhìn cận cảnh hơn trong lĩnh vực thể thao, tập trung vào việc phổ biến và nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về một khía cạnh hoàn toàn mới trong việc áp dụng Luật  SHTT vào ngành kinh doanh thể thao.

Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay (2019) là “Vươn tới Giải Vàng: Sở hữu trí tuệ và thể thao” đề cao việc khai thác tài sản trí tuệ trong thể thao nói riêng và các lĩnh vực hoạt động khác nói chung tại Việt Nam và trên thế giới. Khẳng định được đằng sau những thành công trong thể thao đều có sự góp mặt của  các yếu tố liên quan đến sở hữu trí tuệ như: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, quyền tác giả và quyền liên quan,…

Sở hữu trí tuệ và góc nhìn cận cảnh trong lĩnh vực thể thao - 1

Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ.

Việc tạo ra các sáng chế, các giải pháp cải tiến các dụng cụ thể thao sẽ mang lại những lợi ích như thế nào cho người sử dụng và mang lại những giá trị gì cho doanh nghiệp?

Ông Phan Ngân Sơn: Từ bao lâu nay thể thao luôn đóng vai trò hết sức quan trọng. Thể thao giúp cân bằng cuộc sống và mang lại sức khỏe cho mọi người trong cuộc sống.

Các sáng chế, các giải pháp cải tiến dụng cụ thể thao sẽ mang lại sự tiện lợi hơn cho người sử dụng, giúp mọi người dễ dàng hơn trong việc tập luyện, thi đấu, có thể đem lại thành tích thể thao cao hơn….

Ví dụ như sáng chế có thể là các máy tập chạy, máy đạp xe … giúp người sử dụng có thể tập luyện ngay tại nhà mà không phải ra ngoài. Đó có thể là các giải pháp hữu ích liên quan đến phương tiện bảo vệ đầu gối, cổ chân, cổ tay … để hạn chế chấn thương trong khi chơi thể thao. Và rất nhiều các sáng chế khác nhằm đáp ứng nhu cầu thể dục thể thao của mọi người.

Đối với các doanh nghiệp, việc thương mại hóa các giải pháp được bảo hộ độc quyền sáng chế hay giải pháp hữu ích giúp cho họ thu được lợi nhuận cao. Vì để đáp ứng nhu cầu thể dục thể thao của hàng tỷ người thì số lượng, công cụ, phương tiện thể dục thể thao sản xuất ra hằng năm là rất lớn, nên các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến việc bảo hộ các đối tượng liên quan đến thể dục thể thao. Chúng ta có thể thấy vai trò của SHTT đối với việc tạo ra giá trị kinh tế trong lĩnh vực thể thao là rất rõ ràng.

Sở hữu trí tuệ và góc nhìn cận cảnh trong lĩnh vực thể thao - 2

Chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới năm 2019 là “Vươn tới Giải Vàng: Sở hữu trí tuệ và thể thao”

Các doanh nghiệp có thể thu lợi từ việc bán các máy móc, dụng cụ được bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, các khoản thu từ quảng cáo, chương trình phát sóng các sự kiện thể thao trên tivi, đài, báo, mạng xã hội, youtube …Ngoài ra, các đội bóng như bóng đá, bóng rổ hay các vận động viên cũng nhận được rất nhiều hợp đồng tài trợ khi mang trên mình nhãn hiệu thể thao của các hãng khi thi đấu.

Thể thao có vai trò quan trọng trong đời sống, tuy nhiên tỷ lệ đơn đăng ký SHTT trong lĩnh vực thể thao nước ta còn khá là khiêm tốn, ông đánh giá thế nào về việc này?

Ông Phan Ngân Sơn: Tỷ lệ đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho các đối tượng liên quan đến thể thao còn thấp và đặc biệt là trong lĩnh vực sáng chế và kiểu dáng công nghiệp. Điều này phản ánh các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng chỉ mới phần nào gọi là quan tâm đến việc gắn kết giữa nghiên cứu phát triển và bảo hộ SHTT cho các kết quả nghiên cứu phát triển đó chứ cũng chưa thực sự đầu tư mạnh mẽ. Các đơn đăng ký SHTT của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thể thao cũng chỉ mới tập trung vào nhãn hiệu là chính.

Hiện nay có 1897 doanh nghiệp đăng ký 2622 nhãn hiệu trong lĩnh vực thể thao nhưng sáng chế trong vòng 10 năm trở lại đây mới chỉ có 12, và kiểu dáng công nghiệp là 83 của 14 doanh nghiệp đăng ký tại Cục SHTT. Điều này thể hiện số lượng đơn đăng ký sáng chế trong lĩnh vực thể thao còn ít và đây cũng là mảnh đất, dư địa lớn cho việc phát triển các sản phẩm tạo ra các công cụ, phương tiện trong hoạt động thể dục thể thao.

Cục SHTT có những hỗ trợ gì cho lĩnh vực thể thao trong việc đăng kí sáng chế so với các lĩnh vực khác?

Ông Phan Ngân Sơn: Thực tế thì số lượng đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT trong lĩnh vực thể thao trong các năm qua cũng không nhiều. Nhà nước cũng chưa có chính sách cụ thể gì liên quan đến việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT riêng cho thể thao. Tuy nhiên, nằm trong chính sách chung với tất cả các lĩnh vực trong đó có thể thao thì có khá nhiều các chương trình, hoạt động hỗ trợ.

Ví dụ như chương trình phát triển tài sản trí tuệ trong đó hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh phí để đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích hay hỗ trợ kinh phí để áp dụng các sáng chế, giải pháp hữu ích đã được bảo hộ của người Việt Nam vào thực tiễn.

Cục SHTT hiện nay cũng đang phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới để tạo ra mạng lưới IPHub, là mạng lưới các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học nhằm hỗ trợ các nhà nghiên cứu trong việc tìm kiếm thông tin sáng chế, đăng ký sáng chế và thương mại hóa các sáng chế đã được bảo hộ trên phạm vi cả nước.

Là lĩnh vực gắn bó mật thiết với đời sống, vậy vấn đề phòng, tránh vi phạm quyền SHTT, Cục có những giải pháp, chế tài đặc biệt gì?

Ông Phan Ngân Sơn: Hiện nay nhằm hạn chế các vấn đề xâm phạm quyền SHTT và làm tăng tỷ lệ đơn đăng ký SHTT thì Cục cũng đang triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức qua các chương trình truyền hình, báo đài, các sự kiện … Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng khác như Thanh tra Bộ, Quản lý thị trường tổ chức các đoàn kiểm tra một cách thường xuyên.

Bên cạnh đó, Cục SHTT cũng có nhiều hoạt động hợp tác với các cơ quan quốc tế hay quốc gia khác để phối hợp trong công tác thực thi quyền SHTT.

Trước mắt, để giảm thiểu tình trạng xâm phạm quyền SHTT, ở góc độ doanh nghiệp điều đầu tiên cần lưu ý là chính doanh nghiệp - chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ - là nhân tố có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phòng, chống hàng giả, hàng nhái. Luật SHTT cũng quy định việc bảo vệ quyền SHTT không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp.

Để bảo vệ quyền SHTT của mình, doanh nghiệp cần đăng ký bảo hộ các đối tượng SHTT của mình một cách kịp thời; Quản lý, giám sát tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHCN trên thị trường để có những biện pháp bảo vệ thích hợp; Phối hợp tốt với các cơ quan thực thi khi được yêu cầu; Tạo cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng để chính người tiêu dùng có thể là người phát hiện hàng giả, hàng nhái và bài trừ hàng giả, hàng nhái….

Về lâu dài, cần nâng cao năng lực xử lý xâm phạm quyền SHTT của các cơ quan thực thi quyền và đưa SHTT trở thành một nội dung giảng dạy chính thức trong hệ thống giáo dục để hình thành văn hóa đổi mới, sáng tạo và tôn trọng quyền SHTT trong toàn xã hội.

Xin cảm ơn ông!

S.H (Thực hiện)