Sô-cô-la có sớm hơn 1.500 năm so với suy nghĩ trước đây
(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cacao, nguyên liệu sản xuất sô-cô-la, đã được trồng sớm hơn 1.500 so với suy nghĩ trước đây, và ở Nam Mỹ, chứ không phải Trung Mỹ.
Theo một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, cacao ban đầu được thuần hóa xa hơn về phía nam so với mọi người vẫn nghĩ khoảng 5.300 năm trước. Các phát hiện được đăng trên tạp chí Nature Ecology and Evolution hôm thứ hai.
Trong bằng chứng khảo cổ học trước đây, việc sử dụng cacao đầu tiên có từ khoảng 3.900 năm trước.
Đồng tác giả nghiên cứu Tiến sĩ Michael Blake, một giáo sư tại Khoa Nhân chủng học Đại học British Columbia, phát biểu trong một thông cáo báo chí: “Ngày nay, tất cả chúng ta đều dựa vào các thực phẩm được tạo ra bởi các tộc người bản xứ của châu Mỹ ở một mức độ nào đó. Và một trong những món ưa thích của thế giới là sô-cô-la”.
Cây cacao được trồng ở Trung bộ châu Mỹ tiền Columbia trải dài từ khoảng trung tâm Mexico qua Belize, Guatemala, El Salvador, Honduras, Nicaragua và phía bắc Costa Rica. Hạt cacao từng được dùng ở khu vực này, cũng như các thức uống sô-cô-la trong các bữa tiệc và nghi lễ.
Blake cho biết: “Nghiên cứu mới này cho chúng ta thấy rằng những người ở các khúc sông thượng lưu lưu vực Amazon, trải dài đến chân đồi dãy Andes ở đông nam Ecuador, đã thu hoạch và sử dụng loại cacao có vẻ là họ hàng gần của loại cacao được dùng sau này ở Mexico – và họ đã làm như vậy sớm hơn 1.500 năm”.
Vì cacao rất quan trọng với các nhóm bản xứ đương thời, các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm bằng chứng di truyền, theo đó mật độ cây cacao và các loài liên quan cao nhất được tìm thấy ở Nam Mỹ, vùng gần xích đạo.
Họ đã nghiên cứu các đồ tạo tác gốm từ Santa Anna-La Florida ở Ecuador, là địa điểm được biết đến sớm nhất của văn hóa Mayo-Chinchipe từ ít nhất 5.450 năm trước.
Ba tuyến bằng chứng cho thấy văn hóa Mayo-Chinchipe đã sử dụng cacao từ 5.300 - 2.100 năm trước: Bột của cây cacao bên trong các bình gốm và các mảnh gốm vỡ, cặn bã theobromine, được tìm thấy trong cây cacao nhưng không phải trong tự nhiên, và các đoạn ADN riêng của cây cacao.
Tác giả chính Tiến sĩ Sonia Zarrillo, một giáo sư phụ tá tại Đại học Calgary và trước đây là ở UBC, cho biết: “Ba phương pháp này kết hợp để nhận diện chắc chắn một loài thực vật nổi tiếng là khó tìm trong hồ sơ khảo cổ vì hạt và các phần khác của nó chóng mủn ra trong môi trường nhiệt đới nóng ẩm”.
Lộc Xuân (Theo UPI)