1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Bình Định:

Sinh viên ĐH Quy Nhơn chế thiết bị bật tắt đèn thông minh bằng giọng nói

(Dân trí) - Thay vì phải đi lại để bật, tắt các công tắc như hiện nay, người dùng có thể “ra lệnh”: bật đèn, tắt đèn thì các bóng đèn trong phòng của gia đình bạn sẽ “vâng lời” tự động bật/tắt nhờ một thiết bị bật/tắt thông minh.

Sinh viên ĐH Quy Nhơn chế thiết bị bật tắt đèn thông minh bằng giọng nói

Sản phẩm này do nhóm 3 sinh viên năm 4, học cùng ở khoa Tài chính - Ngân hàng và Quản trị kinh doanh - Trường ĐH Quy Nhơn: Võ Nguyễn Đức Trí, Võ Thanh Nhân và Nguyễn Thị Diễm Phúc và vừa được trao giải nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Bình Định năm 2018.

Ý tưởng giúp cho người khuyết tật, người già

Võ Nguyễn Đức Trí, lớn lên trong gia đình cha mẹ kinh doanh, buôn bán hàng điện dân dụng, ít nhiều Trí cũng am hiểu về điện. Tuy nhiên, từ suy nghĩ ban đầu là muốn tìm cách làm một sản phẩm để giúp người khuyết tật, người già có thể dễ dàng mở hay tắt điện mà không phải vất vả tìm đến công tắc, vừa khó khăn vừa nguy hiểm, Trí tự mày mò và quyết tâm sáng chế ra sản phẩm “độc lạ” này.

Sinh viên ĐH Quy Nhơn chế thiết bị bật tắt đèn thông minh bằng giọng nói - Ảnh 2.

Bạn Thành Nhân, thành viên nhóm Sound Idea đang thuyết trình về ý tưởng bật/tặt thông minh do nhóm nghiên cứu.

Năm 2017, lần đầu tiên Trường ĐH Quy Nhơn phát động phong trào thực hiện các đề tài cho ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên, Trí rủ hai bạn thân là Nhân và Phúc lập nhóm Sound Idea. Sau khi bàn bạc, thảo luận, cuối cùng cả 3 đặt mục tiêu phải thực hiện thành công sản phẩm này.

“Trên thị trường cũng có nhiều loại sản phẩm tự động bật/tắt bóng đèn tương tự như: sử dụng cảm biến thân nhiệt hay chuyển động, cảm biến bằng vỗ tay và có cả thiết bị điều khiển bằng giọng nói thông qua điện thoại thông minh có kết nối Internet hoặc bluetooth. Tuy nhiên, sản phẩm của nhóm chúng tôi có nhiều ưu điểm, đặc biệt giá thành rẻ hơn nhiều”, Trí cho hay.

Theo Trí, ưu điểm của thiết bị bật/tắt thông minh mà nhóm Sound Idea sáng chế là sử dụng mạch điện chứa thuật toán để nhận khẩu lệnh, xử lý độc lập, không cần qua môi trường Internet hay bluetooth. Khi lập trình, nhóm dành ra hàng trăm giờ để ghi âm mẫu, rồi đưa về mạng Nơron để thiết bị nhận dạng tiếng nói.

Còn bạn Võ Thành Nhân, chia sẻ: “Hiện tại tất cả các khẩu lệnh theo giọng Bắc - Trung - Nam đều được thiết bị nhận dạng tốt. Ưu điểm là ban đầu có thể thiết bị nhận dạng khẩu lệnh chậm, nhưng càng về sau thì thiết bị tự thích ứng và nhận dạng khẩu lệnh quen thuộc nhanh hơn nhiều. Trong môi trường lẫn tạp âm ở mức độ bình thường, thiết bị vẫn nhưng được khẩu lệnh”.

Nhiều doanh nghiệp “ngỏ ý” hợp tác

Theo các thành viên nhóm Sound Idea, điểm khác biệt của thiết bị này là bằng thuật toán do các bạn sinh viên viết ra, áp dụng triệt để sóng âm, xử lý âm thanh từ giọng nói, loại bỏ nhiễu tạp âm gây vô ý bật, tắt thiết bị điện và “học” được giọng chủ. Do đó, tránh được tình trạng nhận nhầm khẩu lệnh để bật/tắt đèn, gây lãng phí năng lượng cũng như phiền phức đối với người dùng.

Sinh viên ĐH Quy Nhơn chế thiết bị bật tắt đèn thông minh bằng giọng nói - Ảnh 3.

Chủ nhà chỉ cần "ra lệnh" bật đèn thì thiết bị sẽ "vâng lời" bóng đèn tự sáng.

Một ưu điểm khác của thiết bị này là nhỏ gọn, có thể lắp ngay trong “máng” của bóng đèn neon, không phải là một bộ phận xử lý riêng biệt, lắp đặt phức tạp như những sản phẩm đang có trên thị trường.

Ngoài ra, theo các thành viên của nhóm Sound Idea, toàn bộ vật chất, thiết bị của sản phẩm đều mua được ở thị trường nên giá thành khá rẻ. Do vậy, phân khúc khách hàng ở mức trung bình là có thể sử dụng sản phẩm này.

“Nếu bán đại trà cho doanh nghiệp, chúng tôi tính mỗi thiết bị chỉ 20.000 đồng mà thôi, còn nếu lắp đặt cho hộ gia đình riêng lẻ thì cao hơn một chút, nhưng không đáng kể gì so với giá của các thiết bị có tính năng tương tự nhưng không ưu việt bằng”, Đức Trí khẳng định.

Ý tưởng sau khi trình làng phiên đầu tiên và đã có nhiều doanh nghiệp điện dân dụng ở TP.HCM “để mắt” đến sản phẩm đặc biệt này. “Một số doanh nghiệp điện dân dụng tại TP.HCM đã tìm hiểu sản phẩm của chúng tôi để hợp tác trong tương lai. Hiện tại, nhóm quyết định sẽ thành lập công ty và bán thiết bị chứ không bán bản quyền công nghệ”, bạn Nguyễn Thị Diễm Phúc cho biết.

Sinh viên ĐH Quy Nhơn chế thiết bị bật tắt đèn thông minh bằng giọng nói - Ảnh 4.

Và khẩu lệnh tắt đèn, bóng đèn cũng tự tắt.

Theo các thành viên nhóm Sound Idea, hiện tại nhóm đang tiếp tục nghiên cứu để áp dụng khẩu lệnh này cho máy quạt, vừa bật/tắt vừa lệnh cho cấp độ quạt được. Đồng thời, nhóm cũng nghiên cứu áp dụng cho ổ cắm điện, để đóng hoặc ngắt dòng điện bằng khẩu lệnh.

Đánh giá về thiết bị này, ông Nguyễn Hữu Hà, phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bình Định, cho biết: “So với các sản phẩm đang có trên thị trường thì thiết bị bật/tắt thông minh của nhóm Sound Idea có nhiều ưu thế vượt trội, từ công nghệ đến giá thành và sự gọn nhẹ, dễ ứng dụng. Chúng tôi tin rằng đây sẽ là một ý tưởng khởi nghiệp thành công”.

Doãn Công