1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Sinh vật lai mang "quyền năng" bí ẩn ở đền cổ 2.000 năm

(NLĐO)- Bằng chứng về kỹ thuật lai giống động vật cổ xưa đã được khám phá qua bức phù điêu trong ngôi đền cổ ở Iraq.

Bức phù điêu nói trên là một dải trang trí ở một trong các lối vào đền cổ Allat, một di tích 2.000 tuổi được bảo tồn tốt, thuộc Vương quốc Hatra, miền Bắc Iraq, theo Ủy ban Cổ Vật và Di sản nhà nước.

Sinh vật lai mang quyền năng bí ẩn ở đền cổ 2.000 năm - 1

Ngôi đền cổ và phù điêu mô tả 3 loài lạc đà khác nhau, trong đó có 1 loài là con lai của 2 loài còn lại - Ảnh: Antiquity

Nhà điêu khắc cổ đại đã khắc họa đầu một vị vua được bao quanh bởi 2 hàng lạc đà, mỗi bên 5 con. Các cuộc kiểm tra cho thấy những con lạc đà đứng đầu mỗi hàng là hỗn hợp của 2 loài lạc đà khác nahu: lạc đà Dromedaries và lạc đà Bactrian. Lạc đà Dromedaries là một giống địa phương trong khi lạc đà Bactrian có nguồn gốc Trung Á.

Theo Acient Origins, đây rõ ràng là một cách thức nhấn mạnh phương pháp lai giống lạc đà dưới thời vị vua đó - trị vì vào thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên - mà ông rất muốn giới thiệu với thế giới.

Vương quốc Hatra, lần đầu tiên được công nhận vào năm 140 sau Công Nguyên, có thương mại cực kỳ phát triển và phụ thuộc rất nhiều vào đàn lạc đà hùng hậu.

Vị vua trên phù điêu được xác định là Sanatruq I, vua đầu tiên của vương quốc. Ông đã củng cố địa vị của mình bằng cách bảo trợ cho ngành chăn nuôi lạc đà và "quảng cáo" những thành tựu đạt được, trong đó có việc thúc đẩy nghiên cứu lai tạo động vật, vốn có thể tạo nên những đứa con lai nhiều ưu điểm hơn, khỏe mạnh hơn.

Vì vậy, nói cách khác, những con lạc đà lai tạo thời kỳ đó đã như một vị "thần hộ mệnh" cho vị vua, và đó cũng là lý do chúng có vị trí quan trọng trong ngôi đền cổ thiêng liêng.

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Antiquity.

Theo nld.com.vn