1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Sinh con bằng phương pháp đẻ mổ: Lợi hay hại?

(Dân trí) - Tỉ lệ sinh mổ nhìn chung đang tăng lên trên toàn thế giới. Trước tình hình đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo cần giảm tỉ lệ này.

Sinh con bằng phương pháp đẻ mổ: Lợi hay hại? - 1

Sinh mổ phổ biến ở những nước nào?

Hầu hết các nước ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ, cứ 4 trẻ sơ sinh thì 1 trẻ ra đời bằng phương pháp sinh mổ. Ở Đức, tỉ lệ này là 1/3 và thậm chí ở Bra-xin là ½. Ngược lại, tỉ lệ sinh mổ lại rất thấp ở các nước châu Phi cận Sa-ha-ra, đặc biệt là rất thấp ở Ni-giê, Sát, Ê-ti-ô-pi-a, Buốc-ki-na Pha-sô và Ma-đa-gát-xca - ở các nước này tỉ lệ sinh mổ chỉ là 2%.

Vậy tỉ lệ sinh mổ ở mức nào thì hợp lí?

WHO khuyên các nước chỉ giữ tỉ lệ này ở mức 10 – 15%, tức là ở mức can thiệp cho các ca đẻ khó, với mục đích cứu sống mẹ và con. Một báo cáo của WHO đã so sánh cách trẻ sơ sinh ra đời ở các nước và kết quả cho thấy trong số các nước được theo dõi, chỉ có 14 nước thực hiện đầy đủ hướng dẫn của WHO, trong đó có U-crai-na, Nam-mi-bi-a, Goa-tê-ma-la và Ả-rập Xê-út. Các nước còn lại (như Đức, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kì và Mỹ) cho trẻ sinh mổ quá nhiều. Thực tế là các nước có tỉ lệ sinh cao nhất thì lại áp dụng biện pháp này ít nhất, nguyên nhân chính là các lí do về chi phí. Các nước có tỉ lệ sinh cao nhất cũng là nước thuộc thế giới nghèo nhất.

Có phải người mẹ đã sinh mổ thì các lần sau cũng phải sinh mổ?

Một trong những lí do dẫn đến nhiều nước có tỉ lệ sinh mổ cao là do phương châm “đã sinh mổ thì mãi mãi phải sinh mổ”, ngay cả khi bà mẹ mang thai không có biến chứng gì. Trên thực tế, sẹo do sinh mổ lần trước có thể bị rách trong quá trình sinh thường lần sau. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm xảy ra. Nếu thời gian giữa 2 lần người mẹ mang thai là từ 2 năm trở lên thì nguy cơ bục sẹo mổ đẻ chưa đến 1%. Trong thời gian mang thai, cả mẹ và thai nhi đều khỏe mạnh thì hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp sinh thường, cho dù lần sinh trước là mổ đẻ, thậm chí kể cả lần sinh sau này là sinh đôi hoặc ngôi ngược, chỉ cần có đội ngũ nhân viên y tế chuyên môn vững là được.

Nguy cơ với bà mẹ sau sinh mổ là gì?

Ở nhiều nước có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt, một ca sinh mổ được lên kế hoạch trước để đón bé sơ sinh là con đầu lòng không còn gặp khó khăn gì nữa. Tuy nhiên, vấn đề là những rủi ro có thể xảy ra sau đó. Ví dụ: các ca sinh mổ đều có nguy cơ sót nhau thai, băng huyết, tụ huyết và dính nội tạng cao hơn sinh thường. Nguy cơ nào cũng rất nguy hiểm cho người mẹ, nhất là ở những nơi theo tập quán, người mẹ thường sinh nhiều con.

Một số phụ nữ còn khó mang thai trở lại sau lần sinh mổ. Nguyên nhân là những chỗ dính có thể hình thành trong tử cung do phải khâu vết mổ đẻ, cản trở sự thụ thai, giảm 17% khả năng mang thai ở lần sau.

Nguy cơ với trẻ sau sinh mổ là gì?

Theo nghiên cứu của hãng bảo hiểm y tế Barmer (Đức), trong số những phụ nữ muốn sinh con bằng phương pháp mổ thì lí do nhiều nhất là họ lo lắng cho đứa con chứ không phải do dễ lên kế hoạch sinh. Họ không muốn con mình phải tự trải qua quá khó khăn của quá trình sinh thường.

Trên thực tế, quá trình bà mẹ có các cơn đau đẻ và toàn bộ quá trình sinh thường đều tốt cho em bé, giúp cho bé chuyển sang hình thức chuyển hóa mới của cơ thể. Khi nằm trong tử cung, phổi của thai nhi đầy nước. Chỉ sau khi ra khỏi bụng mẹ, các dịch trong phổi mới được ép ra và phổi chuyển sang hô hấp không khí. Nếu người mẹ sinh mổ, em bé không được trải qua quá trình đó một cách từ từ mà đột ngột. Vì thế, nhiều trẻ sơ sinh gặp phải rất nhiều vấn đề sau khi sinh mổ, thậm chí phải được hô hấp nhân tạo và những bé này thường phải được chăm sóc tích cực. Về lâu dài, trẻ sinh mổ sau này có nguy cơ cao mắc bệnh hen phế quản, tiểu đường, dị ứng và các bệnh liên quan đến tự miễn dịch.

Các bệnh viện có được lợi về tài chính từ các ca sinh mổ không?

Ở hầu hết các nước, sinh mổ tốn kém hơn sinh thường. Ví dụ như ở Đức, riêng tiền trả cho bác sĩ của ca sinh mổ đã cao hơn 1.200 đô-la Mỹ so với sinh thường, chưa kể các chi phí khác bệnh viện phải gánh cũng cao hơn bình thường. Như vậy có thể nói bệnh viện không được lợi gì cả. Nhưng các ca sinh mổ lại dễ lên kế hoạch, vậy là thuận lợi hơn đối với bệnh viện trong công tác quản lí.

Vậy đẻ can thiệp có phải là một vấn đề?

Ngày nay, phụ nữ có ít thời gian cho việc sinh đẻ hơn. Khi đã vào bệnh viện, đương nhiên họ được truyền dịch và nếu sau mỗi giờ mà cổ tử cung không mở thêm 1 cm thì bác sĩ sẽ chỉ định đẻ can thiệp, như thế ca sinh sẽ nhanh hơn. Bên cạnh đó, ở một số nước, nữ hộ sinh càng ngày càng ít, vì thế để có đủ mỗi sản phụ được 1 nữ hộ sinh chăm sóc trong suốt quá trình đẻ là rất hiếm, nên nhiều bà mẹ không có được cảm giác an toàn, yên tâm. WHO đã nắm được tình hình này và trong hướng dẫn mới nhất, tổ chức này khuyến khích giảm can thiệp và chăm sóc chu đáo hơn cho sản phụ.

Phạm Hường (Theo DW)