Siêu cá mập Megalodon đối đầu thủy quái Mosasaurus: Loài nào sẽ thắng?
(Dân trí) - Mọi thuộc tính tương ứng của những kẻ đối đầu đều sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định kết quả cuộc chiến giả định này.
Megalodon và Mosasaurus đều là những kẻ săn mồi khổng lồ, hung dữ, mang tính biểu tượng xuyên suốt lịch sử phát triển của Trái Đất.
Bởi vậy, sẽ thật khó để tưởng tượng nếu xảy ra một cuộc chiến giữa 2 kẻ săn mồi vĩ đại này. Liệu rằng đâu sẽ là kẻ chiến thắng?
Cuộc chiến của những gã khổng lồ
Mosasaurus, thủy quái mệnh "thằn lằn sông Meuse", là một loài thằn lằn biển, đã tuyệt chủng 82 - 66 triệu năm trước trong kỷ Phấn trắng.
Với thân hình thon dài, linh hoạt, bộ hàm cực khỏe và hàm răng nhọn hoắt, không nghi ngờ gì khi Mosasaurus là kẻ săn mồi hàng đầu trong hệ sinh thái nó sinh sống.
Loài bò sát khổng lồ này có thể dài tới 11 - 17 mét. Chúng phân bổ rộng khắp các đại dương trên thế giới, nhưng chủ yếu ở vùng nước nông quanh châu Âu.
Điều này đồng nghĩa với việc Mosasaurus dường như không có khả năng lặn sâu. Thay vào đó, chúng thích săn mồi và di chuyển gần bề mặt, nơi tập trung hệ sinh thái phong phú, đa dạng.
Ngược lại, Megalodon là một loài cá mập khổng lồ, và đã thống trị các đại dương sâu khoảng 23 - 3,6 triệu năm trước. Về kích thước, Megalodon có phần nhỉnh hơn, khi có chiều dài ước tính lên tới 18,3 mét.
Kích thước khổng lồ của Megalodon mang lại cho nó lợi thế về khối lượng và sức mạnh tuyệt đối.
Theo các phân tích dựa trên hóa thạch, một con Megalodon trưởng thành có thể nặng tới 61,6 tấn, tức gấp 10 lần một con voi châu Phi, hoặc 34 con voi trắng cỡ lớn.
Khi đi săn, Megalodon thường duy trì tốc độ bơi trung bình khoảng 4,8 km/h, nhưng có thể "bùng nổ" khi cần đua tốc. Hiện vẫn chưa rõ tốc độ tối đa của Megalodon có thể đạt tới là bao nhiêu.
Song, tốc độ kết hợp cùng khối lượng có thể giúp Megalodon tạo ra những cú va chạm cực mạnh. Điều này khiến con mồi ngay cả khi không bị đớp trúng, cũng bị choáng váng nếu va phải chúng.
Vũ khí săn mồi quyết định kẻ chiến thắng
Đều là những kẻ săn mồi dưới nước, Mosasaurus và Megalodon chủ yếu dựa vào vũ khí chủ lực là hàm răng để tấn công và cắn xé con mồi.
Về phần mình, thủy quái Mosasaurus được trang bị khoảng 40 - 50 chiếc răng dài 25 - 30 mm. Nó có thể có khả năng tạo ra lực cắn khoảng 13.000 đến 16.000 psi.
Để so sánh, cá sấu nước mặn ngày nay có khả năng đạt được lực cắn khoảng 3.700 psi.
Ấn tượng là vậy, song Mosasaurus vẫn thua Megalodon khi loài cá mập khổng lồ được trang bị những hàng răng cưa cực lớn, và cái mồm rộng ngoác, cho phép nó tạo ra một cú cắn với lực 40.000 psi.
Cần phải nói thêm rằng Megalodon có khả năng săn cả những động vật có vú kích thước lớn ở đại dương như cá voi.
Dẫu vậy trong một cuộc chiến giả định, mọi thuộc tính tương ứng của những sinh vật này đều sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định kết quả.
Những cú cắn mạnh mẽ và kích thước to lớn của Megalodon chưa chắc đã mang lại lợi thế trước một loài bò sát linh hoạt như Mosasaurus.
Loài thủy quái này có thể tận dụng sự nhanh nhẹn và cơ động của mình để né tránh các đòn tấn công của Megalodon, đồng thời tạo ra cơ hội để phản công lại đối thủ.
Đấu trường được chọn cũng là một yếu tố quan trọng. Megalodon nặng hơn và ít cơ động hơn khi chúng tiến vào vùng nước nông. Trong khi đó, Mosasaurus đã tiến hóa để có thể làm "bá chủ" dạng địa hình này.
Nhưng đồng thời, tình thế sẽ bị đảo ngược nếu Mosasaurus gặp phải đối thủ của mình ở vùng nước sâu.
Xét về vị thế, Megalodon có phần nhỉnh hơn, khi là kẻ săn mồi đỉnh cao và không có đối thủ tại giai đoạn mà chúng thống trị. Ngược lại, Mosasaurus phải phát triển một số chiến lược phòng thủ nhất định để tránh xung đột với các đối thủ tiềm năng khác trong thời gian nó tồn tại.
Như vậy có thể thấy rằng, Mosasaurus sẽ có nhiều bất lợi hơn khi đối đầu với Megalodon. Nhất là khi kẻ săn mồi số 1 đại dương có lẽ chỉ cần một cú đớp duy nhất để định đoạt số phận kẻ đối đầu.