1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Sầu riêng nhúng hóa chất để làm gì, có an toàn để tiêu thụ?

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Theo ý kiến của chuyên gia, cần phải có thêm các quy chế quản lý thật tốt và chặt chẽ trong việc sử dụng hóa chất nông nghiệp để đảm bảo an toàn thực phẩm, cũng như xuất khẩu.

Sầu riêng nhúng hóa chất để làm gì, có an toàn để tiêu thụ? - 1

Sầu riêng là loại trái cây được nhiều người ưa chuộng vì hương vị thơm ngon, béo ngậy (Ảnh: Getty).

Thời gian vừa qua, câu chuyện hai lô sầu riêng và ớt của Việt Nam nhập khẩu sang Nhật bị buộc tiêu hủy đã khiến dư luận quan tâm.

Nguyên nhân của việc này là do tồn dư hoạt chất procymidone với hàm lượng 0,03 ppm trong sầu riêng. Trong khi đó, tiêu chuẩn cho phép của Nhật là chỉ 0,01 ppm.

Còn lô ớt nhậu khẩu bị phát hiện có tồn dư hoạt chất tricyclazole và hexaconazole với tỷ lệ lần lượt là 0,2 ppm và 0,03 ppm. Trong khi tiêu chuẩn của Nhật cho phép đối với 2 loại hóa chất bảo vệ thực vật này cũng là 0,01 ppm.

Hóa chất có trên sầu riêng là loại nào?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội, cho biết cả 3 nhóm hóa chất gồm tricyclazole, hexaconazole, procymidone, đều là hóa chất diệt nấm trên cây trồng.

Theo lý giải của chuyên gia này, nấm hình thành trong quá trình phát triển của cây trồng, có khả năng chui vào khe nứt của quả sầu riêng, cuống quả, làm hỏng quả. Để tránh hiện tượng này, một số người nông dân nhúng quả sầu riêng vào thuốc chống nấm để tránh việc chúng làm hỏng nông sản.

Cần phải nói thêm rằng, cả 3 loại hóa chất nêu trên đều là hóa chất bảo vệ thực vật được cho phép sử dụng trong nông nghiệp. Do đó, việc phát hiện các hóa chất này có trong sầu riêng và ớt xuất sang Nhật Bản là điều hoàn toàn bình thường.

Sầu riêng nhúng hóa chất để làm gì, có an toàn để tiêu thụ? - 2

Các chuyên gia cho rằng cần phải có thêm các quy chế quản lý thật tốt và chặt chẽ đối với sầu riêng và các loại nông sản chủ lực của Việt Nam (Ảnh: Thúy Diễm).

Được biết, mỗi quốc gia đều có quy định riêng về việc tồn dư hoạt chất này trên nông sản. Thí dụ như ở Việt Nam là 3mg/kg, còn ở Australia lên đến 5 mg/kg. Riêng thị trường Nhật từ lâu đã nổi tiếng là thị trường khó tính, với những quy định quản lý rất chặt chẽ về an toàn thực phẩm. 

Do đó, việc lô hàng không đạt tiêu chuẩn bị từ chối bởi cơ quan kiểm dịch Nhật Bản là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Theo các tổ chức dinh dưỡng, quả sầu riêng có hàm lượng chất dinh dưỡng rất cao so với hầu hết các loại trái cây khác. Cụ thể, trong quả sầu riêng có chứa kali, chất xơ, sắt, vitamin B.... và hàm lượng chất chống oxy hóa cao.

Bên cạnh phần thịt quả sầu riêng, tất cả các bộ phận của cây sầu riêng như lá, vỏ, rễ... đều có thể sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị các bệnh khác nhau như sốt cao, vàng da và các bệnh ngoài da. Do vậy, giá trị xuất khẩu của quả sầu riêng là rất cao, mang lại lợi nhuận cho người nông dân. 

Có an toàn để tiêu thụ?

Câu chuyện phát hiện hóa chất trên nông sản khiến người tiêu thụ trong nước "đứng ngồi không yên" vì lo sợ rằng các loại trái cây mà họ ăn phải mỗi ngày có thể gây hại cho sức khỏe.

Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, hầu như mọi hóa chất nông nghiệp với tác dụng chống nấm đều độc, nguy hiểm, và có hại cho sức khỏe ở một liều lượng nhất định.

Đó là vì mặc dù chỉ được ngâm bên ngoài vỏ, song các hóa chất có thể thấm vào bên trong thịt quả, hoặc theo các khe nứt đi vào bên trong, khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm trở nên kém an toàn. Ngay cả những loại quả có vỏ dầy như sầu riêng cũng không tránh khỏi gặp phải tình trạng này.

Ngoài thuốc diệt nấm, cơ quan quản lý ở nhiều địa phương còn phát hiện thấy một số cơ sở nhúng sầu riêng vào hóa chất để thúc chín, hoặc để bảo quản lâu hơn.

Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, đây cũng là những hóa chất nằm trong danh mục được phép sử dụng, nhưng chỉ an toàn nếu như được dùng với đúng liều lượng và thời gian cách ly.

"Hóa chất nông nghiệp chỉ nên được phép sử dụng để chống sâu bệnh, bảo vệ mùa màng, và phải sử dụng đúng lúc, đúng chỗ", ông Thịnh cho biết. "Nếu sử dụng sai mục đích, chúng sẽ thành chất độc, gây hại cho chính chúng ta".

Việc còn tồn tại những cơ sở sử dụng sai mục đích hoặc liều lượng của hóa chất diệt nấm, hóa chất bảo quản, cho thấy lỗ hổng trong khâu quản lý, cũng như khâu kiểm soát an toàn thực phẩm ở Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Điều này cho thấy Việt Nam cần phải có thêm các quy chế quản lý thật tốt và chặt chẽ, không chỉ để đảm bảo an toàn cho người tiêu thụ trong nước, mà còn để tạo nên hình ảnh đẹp của chúng ta đối với các thị trường xuất khẩu trong khu vực và trên thế giới.