Sản phẩm vi mạch của ICDREC được định giá hơn 290 tỷ đồng

(Dân trí) - Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) vừa công bố định giá các sản phẩm vi mạch cùng ứng dụng được đơn vị thiết kế, xây dựng nhiều năm qua. Tất cả các sản phẩm được Viện đánh giá khoa học và định giá công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) định giá sở hữu trí tuệ là hơn 290 tỷ đồng.

Các sản phẩm bao gồm: chip vi xử lý 8 bit, 32 bit; các lõi IP ngoại vi; lõi IP xử lý tín hiệu số và ảnh; lõi IP chip Analog; Mix-signal.


Sản phẩm vi mạch của ICDREC được định giá hơn 290 tỷ đồng.

Sản phẩm vi mạch của ICDREC được định giá hơn 290 tỷ đồng.

Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học quốc gia TP.HCM cho biết, từ nguồn đầu tư từ Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như từ Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM giai đoạn 2013 - 2020, Trung tâm ICDREC đã hình thành lên các sản phẩm IP có giá trị về mặt thương mại.

Theo đó, sản phẩm IP gồm các sản phẩm vi mạch: Các chip vi xử lý 8 bit và 32 bit; các lõi IP ngoại vi cho vi xử lý 8 bit; các lõi IP ngoại vi cho vi xử lý 32 bit; các lõi IP xử lý tín hiệu số và xử lý ảnh; các lõi IP chip Analog và Mix - signal và các sản phẩm ứng dụng gồm điện kế điện tử, thiết bị giám sát hành trình; sản phẩm ứng dụng RFID; hệ thống đèn chiếu sáng.

Ông Phạm Hồng Quách, Phó giám đốc phụ trách trung tâm tư vấn thuộc Viện đánh giá khoa học và định giá công nghệ cho biết, Viện đã mời các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam và các chuyên gia thẩm định giá của Bộ Tài chính tham gia việc xem xét hồ sơ, thẩm định, định giá 21 sản phẩm trong hồ sơ của ICDREC gửi tới. Kết quả, các sản phẩm theo hồ sơ của ICDREC được xác định giá trị là 290,404 tỷ đồng.

“Viện là cơ quan nhà nước duy nhất tại Việt Nam hiện nay có chức năng thẩm định, định giá các sản phẩm khoa học công nghệ”, ông Quách nói và cho biết, với việc được trao chứng thư định giá, các sản phẩm của ICDREC được xác định giá trị cụ thể, góp phần nâng cao giá trị trong thương mại hóa. Đến nay, Viện đánh giá khoa học và định giá công nghệ mới thực hiện khoảng 20 hợp đồng định giá thuộc nhiều lĩnh vực như, giống lúa, sản phẩm vi mạch, sản phẩm nano…

Ông Ngô Đức Hoàng cho biết, các sản phẩm vi mạch được định giá chưa tạo ra được giá trị thương mại cao. Trong thời gian tới, ICDREC sẽ tập trung đầu tư chuyển đổi một số lõi IP đang có sẵn sang công nghệ SOTB có giá trị cao hơn. Đây là công nghệ thế giới đang sử dụng nhiều và giải quyết bài toán công suất thấp.

ICDREC là đơn vị nằm trong chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TP HCM - lần đầu thiết kế được các con chip tại Việt Nam, được cộng đồng khoa học quốc tế đánh giá cao. Nhiều sản phẩm của ICDREC được ứng dụng trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, điện kế điện tử, hệ thống điều khiển đèn chiếu sáng, giám sát hành trình…

Trong hoạt động của ICDREC có hoạt động chuyển giao công nghệ không độc quyền nên Nhà nước không mất công nghệ mà vẫn có thể tiếp tục chuyển giao. Mới đây, ICDREC đã chuyển giao công nghệ cho Công ty SENVI trị giá 6 tỷ đồng và trước đó là Công ty VHES trị giá 3 tỷ đồng. Đến nay, doanh số chuyển giao công nghệ của ICDREC là 68 tỷ đồng; doanh số sản xuất rồi cung cấp thiết bị dựa vào công nghệ là 31 tỷ đồng.

Cũng theo ông Hoàng, hai doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ của ICDREC gần đây đều là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết bị chứ không phải là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vi mạch nên giá trị thương mại chưa cao.

NASATI