Sai số vài giây đồng hồ là nguyên nhân gây ra thảm kịch của tàu Luna-25?
(Dân trí) - Nguyên nhân khiến tàu Luna-25 va chạm ngoài mong muốn với Mặt Trăng đã được hé lộ.
Ngày 19/8, Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos thông báo sứ mệnh Luna-25 chính thức thất bại, khi con tàu gặp trục trặc và lao thẳng xuống bề mặt Mặt Trăng.
"Con tàu di chuyển vào quỹ đạo không thể đoán trước và không còn tồn tại do va chạm với bề mặt Mặt Trăng", Roscosmos cho biết. Trước đó, tàu Luna-25 theo dự kiến, sẽ hạ cánh xuống Mặt Trăng vào ngày 21/8.
Mới đây, ông Yury Borisov, Giám đốc Roscosmos, đã tiết lộ nguyên nhân chính khiến sứ mệnh Mặt Trăng đầu tiên sau nửa thế kỷ của Nga thất bại.
Theo ông Borisov, tàu Luna-25 dường như đã không tắt động cơ kịp thời, dẫn tới tai nạn thảm khốc nêu trên.
"Việc tắt động cơ của tàu Luna-25 không diễn ra bình thường theo đúng kế hoạch", người đứng đầu Roscosmos cho biết. "Dựa trên dấu thời gian ghi lại, quá trình này diễn ra trong 127 giây thay vì 84 giây theo kế hoạch".
"Yếu tố này là nguyên nhân chính đằng sau sự thất bại của sứ mệnh", ông Borisov tuyên bố, đồng thời cho biết một ủy ban đặc biệt đã được thành lập để điều tra vụ việc.
Giám đốc Roscosmos khẳng định các kỹ sư vũ trụ Nga đã rút được kinh nghiệm quý giá sau thất bại của Luna-25, và hy vọng rằng các sứ mệnh trong tương lai của Luna-26, 27 và 28 sẽ thành công.
Roscosmos không tiết lộ thiệt hại sau vụ tàu Luna-25 đâm vào Mặt Trăng, nhưng theo trang tin News.ru, Nga có thể đã thiệt hại hàng chục tỷ rúp do sứ mệnh thất bại.
Luna-25 là sứ mệnh không gian được kỳ vọng bậc nhất của Nga trong suốt hàng thập kỷ. Thế nhưng giờ đây, sự thất bại của nó đã cho thấy bước thụt lùi của Nga từ thời Chiến tranh Lạnh trong lĩnh vực khám phá không gian vũ trụ.
Thất bại của sứ mệnh Luna-25 cũng đồng nghĩa với việc Ấn Độ có cơ hội trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh xuống cực nam của Mặt Trăng, điểm đến dự kiến của tàu Chandrayaan-3.
Theo dự kiến, sứ mệnh cùng tên của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) sẽ diễn ra trong chưa đầy 24 giờ nữa.
Nếu cuộc đổ bộ của Chandrayaan-3 thành công, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ 4 có phương tiện hạ cánh mềm xuống Mặt Trăng, bên cạnh Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc.