Rung chấn trên Trái Đất giảm một nửa do... đại dịch Covid-19

Phạm Hường

(Dân trí) - Các nhà khoa học cho biết giãn cách xã hội, giảm hoạt động công nghiệp và giao thông đang làm cho hành tinh của chúng ta yên ắng hơn.

Rung chấn trên Trái Đất giảm một nửa do... đại dịch Covid-19 - 1

Hình ảnh Trái Đất trong không gian qua kết xuất đồ họa 3D sử dụng ảnh nguồn của NASA.

Rung chấn trên Trái Đất giảm một nửa do... đại dịch Covid-19 - 2

Hiệu ứng phong tỏa (màu đỏ) ở 185 trong số 268 trạm đo địa chấn toàn cầu.

Ở các trạm đo địa chấn ở 117 nước trên thế giới, 185 trong tổng số 268 trạm ghi nhận tiếng ồn đã giảm đáng kể, nhiều nhất là ở các khu vực đông dân như New York, Mỹ và Singapore.

Ở Barbados, thời gian phong tỏa do dịch bệnh trùng với mùa du lịch nên mức địa chấn ở đây giảm đến 50%.

Trong nhiều thập kỷ qua, nhiễu địa chấn liên tục tăng lên cùng với sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế. Nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến cho địa chấn do hoạt động của tàu hỏa, ô tô và máy móc giảm còn ở mức vào dịp Giáng sinh.

Những thay đổi này cũng giúp các nhà nghiên cứu nghe được những tín hiệu động đất và núi lửa mà trước đây không thể phát hiện được. Những dấu hiệu này rất có ích cho việc dự báo thảm họa thiên nhiên có thể xảy ra.

Rung chấn trên Trái Đất giảm một nửa do... đại dịch Covid-19 - 3
Mức nhiễu địa chấn vào tháng 2/2020 thể hiện bằng cột dài hơn và màu sáng hơn cho thấy mức độ cao hơn, còn cột màu sẫm cho thấy mức thấp hơn.
Rung chấn trên Trái Đất giảm một nửa do... đại dịch Covid-19 - 4
Biểu đồ mức độ nhiễu địa chấn toàn cầu với thời điểm bắt đầu vào tháng 4/2020 cho thấy mức giảm đáng kể so với đầu tháng 3/2020.
Rung chấn trên Trái Đất giảm một nửa do... đại dịch Covid-19 - 5

Một chiếc địa chấn kế ghi nhận mức giảm rung chấn trong giai đoạn phong tỏa.

Tiến sĩ Thomas Lecocq ở Đài quan sát Hoàng gia, Bỉ, nói rằng sự gia tăng dân số toàn cầu đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều người sống trong những khu vực địa lý nguy hiểm. Do đó điều quan trọng hơn hết là phải phân biệt được tiếng ồn do con người hay do thiên nhiên gây ra.

Tiến sĩ Stephen Hicks ở Trường đại học Hoàng gia London, Anh cũng cho rằng thời gian này là lúc tiếng ồn do con người gây ra giảm nhiều nhất kể từ khi có hệ thống giám sát bằng các địa chấn kế. “Chúng ta hy vọng rằng nhờ đó các nghiên cứu tiếp theo sẽ giúp cho con người lắng nghe được Trái Đất hiệu quả hơn”.