“Rợn người” với những loài chim nguy hiểm nhất thế giới (P2)
(Dân trí) - Là tội phạm khét tiếng trong nhiều hồ sơ vụ án “hành hung con người” và gây ra thương tích đáng kể như: tổn thương mặt, chấn thương sọ não hay thậm chí là tử vong, những cái tên dưới đây xứng đang nằm trong top đầu về sự nguy hiểm trong thế giới loài chim!
Lammergeier là tên của một loại chim kền kền có hình dáng tương tự đại bàng sống ở khu vực núi đá thuộc Trung Á, Đông Phi, Tây Ban Nha. Kền kền Lammergeier sở hữu một cơ thể có kích thước lớn. Ở con trưởng thành, sải cánh có thể đạt đến gần 3 mét và chiều dài thân hơn 1 mét.
Một điều khá may mắn với chúng ta cũng như nhiều loài động vật khác là loài chim “khủng” này chỉ ăn xác thối, đặc biệt là xương! Sở thích ăn uống này cũng hình thành nên một tập tính nổi tiếng của Lammergeier.
Cụ thể, khi tìm thấy một đoạn xương ống của động vật đã bị rỉa thịt, chúng sẽ quắp khúc xương này bay lên độ cao khoảng 80 mét rồi thả xuống nền đá phẳng bên dưới, nhằm phá vỡ cấu trúc xương để thưởng thức món tủy béo ngậy khoái khẩu ở bên trong.
Việc con người bị tấn công bởi Lammergeier là khá hiếm. Dẫu vậy, loài kền kền này vẫn mang một mối nguy thường trực cho bất kỳ loài sinh vật nào ở dưới mặt đất, khi thường xuyên cố tình thả, đôi lúc là bị đánh rơi những vật tương đối nặng như: xương, đá… từ độ cao hàng chục mét, vô tình tạo ra vụ tai nạn đúng nghĩa “từ trên trời rơi xuống”.
Thậm chí, đã từng có lời đồn thổi về việc một người đàn ông bị chấn thương sọ não do kền kền Lammergeier đánh rơi một con rùa, thứ nó tưởng lầm là hòn đá.
Tuyệt đại đa số những vụ chim cú tấn công người được ghi nhận, đều xuất phát từ lý do chúng bảo vệ con nhỏ hoặc lãnh thổ của mình. Cũng trong những vụ việc này, nạn nhân hầu hết đều là người đi/chạy bộ, leo núi. Cú Sừng Lớn (Bubo virginianus) hiện đang là loài đứng đầu trong hồ sơ phạm tội kể trên.
Chỉ tính riêng năm 2012, đã có một số lượng đáng kể người trình báo về việc bị cú Sừng Lớn sà xuống tấn công từ trên cây, ở trong các công viên. Năm 2015, ở bang Oregon, Hoa Kỳ một con cú Sừng Lớn cũng đã tấn công liên tiếp lên đầu một người đang đi bộ.
May mắn là nạn nhân đã có thể chạy thoát không lâu sau đó. Bên cạnh tập tính hung dữ hơn các thành viên khác, điều khiến cú Sừng Lớn trở thành một kẻ tấn công đáng sợ chính là kích thước cơ thể đồ sộ, cùng những thứ vũ khí bẩm sinh.
Cụ thể, khi trưởng thành cú Sừng Lớn có thể dài đến 60 cm, với sải cánh hơn 2 mét. Bộ móng vuốt của cú Sừng Lớn, thứ thường được chúng dùng để quắp con mồi cỡ lớn, có lực lên đến 500 psi (tương đương với cú táp của một con chó cỡ lớn).
Chưa dừng lại ở đó, cú Sừng Lớn, cũng như hầu hết các loài cú khác còn có thói quen tấn công vào vùng mặt, đầu khi phải giao chiến với kẻ thù cỡ lớn, điều này thực sự rất nguy hiểm nếu con người không may trở thành kẻ “bên kia chiến tuyến” của loài chim này.
Một thành viên khác trong họ nhà cú cũng nguy hiểm không kem cú Sừng Lớn vừa được đề cập ở trên, chính là cú Lông Sọc. Khi trưởng thành, loài chim này có thể nặng đến 0,8 kg, sải cánh rộng 1,1 mét. Cũng giống như các họ hàng của mình, cú Lông Sọc là hung thủ trong nhiều vụ người leo núi, đi bộ bị tấn công. Thậm chí, từng có trường hợp, cú Lông Sọc là nguyên nhân chính góp phần vào cái chết của một người.
Cụ thể, vào năm 2011, một cá thể cú Lông Sọc được cho là đã tấn công một người phụ nữ đang trong tình trạng say xỉn, gây nên nhiều vết thương ở vùng đầu, mặt và cổ tay. Dù vụ tấn công này không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng sau khi nạn nhân bỏ chạy vào nhà, cô ta đã bị vấp ngã ở cầu thang và gãy cổ dẫn đến tử vong.
Thảo Vy
Theo BS