Rắn hổ mang tử chiến với cầy mangut
(Dân trí) - Rắn hổ mang và cầy mangut bị kéo vào một cuộc đấu sinh tử, để rồi không có kẻ nào sống sót trong cuộc chiến này.
Đoạn video dài 3 phút được chia sẻ trên mạng xã hội đã ghi lại trận chiến vô cùng khốc liệt giữa một con cầy mangut trước đối thủ nguy hiểm là rắn hổ mang.
Mở đầu đoạn video, có thể thấy con cầy mangut dường như đã trúng nhiều đòn tấn công từ rắn hổ mang. Nọc độc khiến phần chân sau của nó bị tê liệt, và gần như không thể di chuyển.
Thế nhưng, con cầy vẫn lăn xả vào kẻ thù một cách không do dự, bất chấp mối nguy hiểm. Nó tìm cách cắn đối phương, trong khi rắn hổ mang liên tục di chuyển để tránh bị cắn.
Có một khoảng thời gian, con cầy bỗng nhiên dừng lại, dường như là để chuẩn bị cho những pha tấn công dứt khoát cuối cùng. Quả đúng như vậy, cầy mangut rình kẻ thù sơ hở, rồi chộp lấy cổ rắn và siết chặt bằng hàm răng của mình.
Sau một hồi tranh đấu, con cầy đã tả tơi tới mức không thể cử động. Nọc độc từ những vết cắn của rắn dường như đã ngấm vào nó, khiến con vật rơi vào trạng thái sốc phản vệ. Còn con rắn do trúng nhiều nhát cắn chí mạng, cũng chỉ còn biết nằm lăn ra đất, giãy giụa, và trút những hơi thở cuối cùng.
Giống như đa số các loài rắn có độc khác, vũ khí của rắn hổ mang chính là những vết cắn có nọc chết người. Loài này nổi tiếng với việc cắn con mồi và tiêm chất độc vào nạn nhân bằng chiếc nanh nhọn hoắt.
Trong khi đó, cầy mangut sở hữu khả năng di chuyển mau lẹ, linh hoạt, cho phép nó né đòn từ những con rắn nhanh như cắt. Thậm chí, chúng có thể cắn trả rắn một cách chính xác bằng hàm răng sắc nhọn, và biến kẻ săn mồi trở thành kẻ bị săn.
Trên thực tế, cầy mangut loài động vật ăn thịt, được vang danh là những kẻ săn mồi cơ hội và cừ khôi, nhờ thính giác tốt và thị giác nhìn xa, có khả năng khiêu khích con mồi vì vậy chúng kiếm ăn khá dễ dàng và thâu tóm con mồi nhanh chóng nhờ bộ răng sắc nhọn.
Sự đồng dạng về cơ chế trong cơ thể với loài lửng mật còn giúp cầy mangut có khả năng kháng độc rất tốt, dù chúng không miễn nhiễm hoàn toàn. Điều này khiến một số loài rắn độc nguy hiểm của vùng đất châu Phi cũng phải trở thành "điểm tâm" cho cầy mangut.