1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Quỹ VINIF - Bệ phóng của khoa học Việt

Trường Thịnh

(Dân trí) - 21% số dự án nghiệm thu thương mại hóa sản phẩm thành công, tạo ra doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm là điểm nhấn nổi bật khẳng định hiệu quả của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF), quỹ tư nhân được ví như "bà đỡ" mát tay của khoa học Việt.

Thay đổi về chất cho nghiên cứu chuyển giao (R&D)

Đầu năm 2023, PGS.TS. Nguyễn Tấn Hưng (Đại học Đà Nẵng) nhận tin vui lớn khi dự án "Thông tin quang thông minh cho mạng dữ liệu cực lớn" do ông làm chủ nhiệm được cấp bằng sáng chế của Cơ quan Sở hữu Trí tuệ USPTO (Hoa Kỳ). Lập tức, ông và nhóm nghiên cứu bắt tay vào phát triển sản phẩm thương mại "smart optical transceiver" từ chính sáng chế này.

PGS.TS. Hưng mô tả kết quả này là ngoài mong đợi. Ông cho biết, thay vì thực hiện các nghiên cứu an toàn, chỉ cần có sản phẩm đầu ra đúng như cam kết thuyết minh, nhóm của ông đã chấp nhận rủi ro cao, tiến hành các nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn hơn, đúng như nội hàm của hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo.

Quỹ VINIF - Bệ phóng của khoa học Việt - 1

VINIF đồng hành các dự án khoa học để triển khai ý tưởng ra thực tế.

Do hướng tới mục tiêu thương mại hóa nghiên cứu nên ông và các đồng nghiệp lần đầu tiên tiếp cận với quá trình đăng ký bằng độc quyền sáng chế quốc tế. Với phần lớn nhà khoa học Việt, đây là quy trình gian nan, cần sự tham gia của hãng luật chuyên về sở hữu trí tuệ, đồng thời đòi hỏi kinh phí lớn. Các rào cản đã được tháo gỡ khi dự án nhận tài trợ từ Quỹ VINIF.

"Trong khi các chương trình tài trợ khác đi theo hướng ngày càng chặt trong quy định, thủ tục thì VINIF tạo điều kiện tối đa để chúng tôi phát huy khả năng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo", PGS. Hưng chia sẻ.

Cũng được Quỹ VINIF tiếp sức, GS.TS. Nguyễn Xuân Hùng (Trường Đại học Công nghệ TPHCM) không giấu được niềm hạnh phúc khi dự án "Công nghệ in 3D trên nền tảng máy học sâu" do ông làm chủ nhiệm được cấp 3 bằng sáng chế tại Mỹ và 1 bằng sáng chế trong nước.

GS.TS. Nguyễn Xuân Hùng cho biết, nhận được bằng sáng chế quốc tế cũng như đưa nghiên cứu từ phòng thí nghiệm vào thực tiễn là mong muốn của tất cả các nhà khoa học. Dù vậy, con đường đó thường rất gian truân.

"Với sự tài trợ của VINIF, dự án có cơ hội kết nối với doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm. Tôi hy vọng VINIF sẽ đồng hành và hỗ trợ các nhà khoa học lâu dài để triển khai ý tưởng đổi mới sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của đất nước", GS.TS. Nguyễn Xuân Hùng kỳ vọng.

Theo thống kê chính thức, trên thế giới, tỷ lệ chuyển hóa các sáng chế thành sản phẩm trên thị trường đạt 2-5%. Còn tại Việt Nam, tỷ lệ dự án, đề tài nghiên cứu từ trường đại học, viện nghiên cứu thương mại hóa thành công chỉ đạt khoảng 1%.

Quỹ VINIF - Bệ phóng của khoa học Việt - 2

Ông Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Quỹ VINIF.

Trong bối cảnh đó, Quỹ VINIF, do Tập đoàn Vingroup thành lập vào năm 2018, ra đời với nhiều chương trình tài trợ sáng tạo, đột phá. Các dự án nghiên cứu không những được VINIF tài trợ về mặt tài chính, mà còn được hỗ trợ các thủ tục pháp lý để đăng ký sáng chế quốc tế. VINIF cũng mở ra cơ hội để nhà nghiên cứu tiếp cận với nguồn thiết bị hiện đại, các loại vật liệu đặc thù nhằm phục vụ tốt nhất cho hoạt động khoa học.

Ông Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Quỹ VINIF, cho biết: "Nhiều nhà khoa học có các ý tưởng tốt nhưng để từ đó trở thành sản phẩm được người dùng đón nhận cần nhiều thứ, từ vốn đến sự năng động của tác giả. Khi nhà khoa học đảm bảo sản phẩm mang lại tiềm năng lớn, Quỹ VINIF sẽ sẵn sàng hỗ trợ".

Bệ phóng đưa khoa học Việt vươn tầm quốc tế  

Là chương trình phi lợi nhuận của Tập đoàn Vingroup, nhằm mục tiêu thay đổi môi trường nghiên cứu và góp phần tạo bệ phóng đưa khoa học Việt vươn tầm quốc tế, VINIF đã trở thành một trợ lực tin cậy cho nhiều cơ quan, cơ sở đào tạo, nghiên cứu trên cả nước.

Sau 5 năm, tổng giá trị quỹ tài trợ cho khoa học công nghệ (KHCN) Việt Nam đã lên tới 800 tỷ đồng. 21% số dự án nghiệm thu đã thương mại hóa sản phẩm thành công, tạo ra doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Chỉ tính riêng năm 2023, quỹ đã tài trợ cho 24 dự án nghiên cứu khoa học và lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử, 300 suất học bổng thạc sĩ, tiến sĩ, 90 suất học bổng sau tiến sĩ, 6 đề án hợp tác đào tạo thạc sĩ ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, 60 sự kiện hội thảo, hội nghị, bài giảng đại chúng.

Quỹ VINIF - Bệ phóng của khoa học Việt - 3

Lễ công bố các chương trình tài trợ năm 2023 của VINIF.

Nhiều sản phẩm đang có mặt trên thị trường, liên quan đến lĩnh vực công nghiệp, công nghệ, nông nghiệp, dược phẩm… là trái ngọt từ dự án KHCN được VINIF tài trợ, như: tay máy công nghiệp của Vietmani, các hoạt chất từ thảo mộc và dược mỹ phẩm của Công ty CPQT AOTA, các chế phẩm sinh học hoạt tính cao cho nông nghiệp và thủy sản từ dự án AgriBiosol của Công ty TNHH Midoli, công nghệ, hệ thống hàn tự động của công ty Dreamweldtech…

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo còn nhiều hạn chế, các cơ chế, chính sách đang trong quá trình hoàn thiện, sự ra đời và phát triển của VINIF được kỳ vọng thổi một luồng gió mới, truyền cảm hứng nghiên cứu cho môi trường khoa học còn nhiều tiềm năng tại Việt Nam.