Quỹ Vinfuture khởi động mùa giải 2024

Trường Thịnh

(Dân trí) - Giải thưởng VinFuture khởi động mùa giải 2024 và nhận đề cử từ 14h ngày 9/1 tới 14h ngày 17/4 (theo giờ Việt Nam). Sau 3 năm triển khai, giải thưởng thu hút gấp 3 lần số lượng đề cử - từ 599 dự án năm đầu tiên lên 1.389 dự án vào 2023.

Với tầm nhìn toàn diện, hướng đến sự đa dạng và sứ mệnh phụng sự nhân loại, tạo ra những tác động tích cực đến cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới, VinFuture đã tổ chức thành công 3 mùa giải, khẳng định uy tín và vị thế trong cộng đồng khoa học thế giới.

Theo ban tổ chức, các phát minh, giải pháp khoa học công nghệ để tham gia mùa giải 2024 cần đáp ứng đầy đủ tiêu chí đề cử của giải thưởng và được đề cử bởi các tổ chức, cá nhân uy tín về khoa học công nghệ trên toàn thế giới.

Các dự án đề cử sẽ được đánh giá qua các bước sàng lọc và xét chọn của Hội đồng Sơ khảo và Hội đồng Giải thưởng VinFuture, bao gồm các nhà khoa học uy tín, các chuyên gia hàng đầu thế giới từng sở hữu các giải thưởng danh giá như Nobel, Turing, Millennium Technology…

Chia sẻ về những kỳ vọng cho mùa giải thứ 4, GS. Richard Henry Friend - Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture, cho biết, mức độ bao quát sâu rộng trên hầu hết lĩnh vực khoa học công nghệ của giải thưởng VinFuture đã được minh chứng rõ nét qua những công trình được trao giải và các chủ nhân giải thưởng ba mùa trước.

Những lĩnh vực được vinh danh đều khẳng định tính thiết yếu với cuộc sống nhân loại như nông nghiệp, y tế, khoa học môi trường, công nghệ thông tin toàn cầu, hệ thống năng lượng tái tạo - gồm pin mặt trời và pin Lithium-ion.

"Chúng tôi vinh dự được hàng nghìn nhà khoa học trên thế giới chấp thuận trở thành đối tác đề cử cho giải thưởng VinFuture. Nhưng chúng tôi vẫn muốn tiếp cận đến nhiều nơi hơn nữa trên toàn cầu, để tìm kiếm những tiến bộ công nghệ đang diễn ra trên khắp hành tinh, chứ không chỉ ở những nơi vốn đã có thế mạnh về nghiên cứu khoa học", GS. Richard Henry Friend cho hay.

Quỹ Vinfuture khởi động mùa giải 2024 - 1

Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển đã vinh danh GS. Võ Tòng Xuân (nhà khoa học người Việt đầu tiên đạt Giải thưởng VinFuture) và GS. Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn).

Thời gian tiếp nhận đề cử cho giải thưởng VinFuture mùa 4 sẽ kết thúc vào 14h ngày 17/4/2024 (theo giờ Việt Nam). Những đề cử nộp sau thời hạn này sẽ được tự động chuyển sang xét duyệt cho mùa giải năm 2025.

Để cung cấp thông tin cho các đối tác đề cử, quỹ VinFuture sẽ tổ chức hai hội thảo trực tuyến với sự tham gia của đại diện Hội đồng Giải thưởng, Hội đồng Sơ khảo và chủ nhân giải thưởng VinFuture trong quý I/2024. Hội thảo đầu tiên diễn ra vào 20h-21h ngày 24/1/2024 (giờ Việt Nam). Đối tác quan tâm đăng ký tham gia hội thảo tại: https://forms.gle/TB6YdE1ckkD56eki8.

Quỹ Vinfuture khởi động mùa giải 2024 - 2

Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture phát biểu tại Lễ trao giải VinFuture 2023.

Trước đó, mùa giải VinFuture 2023 vừa khép lại đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng khoa học công nghệ toàn cầu với gần 1.400 đề cử chất lượng từ các nhà khoa học, nghiên cứu, phát minh từ năm châu lục trên thế giới. Mùa giải thứ 3 cũng để lại dấu ấn thành công khi đã kết nối và truyền được cảm hứng rất lớn tới khoa học nước nhà.

Quỹ Vinfuture khởi động mùa giải 2024 - 3

Tối 20/12, Lễ trao giải VinFuture năm 2023 đã diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) quy tụ các nghệ sĩ và hàng trăm nhà khoa học hàng đầu thế giới.

Giải thưởng VinFuture là hoạt động trung tâm của Quỹ VinFuture, một tổ chức phi lợi nhuận được đồng sáng lập vào ngày 20/12/2020 - Ngày Quốc tế đoàn kết nhân loại - bởi ông Phạm Nhật Vượng, tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và là nhà sáng lập tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, Vingroup, cùng với phu nhân, bà Phạm Thu Hương.

Giải thưởng được thành lập nhằm ghi nhận những nhà phát minh và nhà nghiên cứu xuất sắc đến từ các trường, viện nghiên cứu toàn cầu, phòng thí nghiệm và tập đoàn công nghiệp công nghệ để tôn vinh những nghiên cứu khoa học đột phá, đổi mới công nghệ, tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người. Cổng nhận đề cử năm 2024 tại: https://vinfutureprize.org/vinfuture-prize-nomination/

Thông tin chi tiết về giải thưởng:

Hướng dẫn chi tiết về quy trình và biểu mẫu đề cử tại: https://vinfutureprize.org/vinfuture-prize-nomination/

Các câu hỏi thường gặp xem tại: https://vinfutureprize.org/faqs/about-the-vinfuture-foundation/

Danh sách những chủ nhân giải thưởng VinFuture đã được công bố tại lễ trao giải ngày 20/12/2023 cùng thông tin về các phát minh được trao giải tại: https://vinfutureprize.org/vinfuture-prize/laureates/

10 tiêu chí đề cử giải thưởng VinFuture:

- Giải pháp được đề cử phải có bằng chứng rõ ràng về tác động trong cuộc sống, hoặc chứng tỏ được tiềm năng dựa trên ứng dụng thực tế.

- Các giải pháp đã mang lại lợi ích cho hàng triệu người trong 10 năm qua hoặc chứng tỏ được tiềm năng trong 10 năm tới.

- Các giải pháp phải phù hợp với ít nhất một trong 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs).

- Các giải pháp phải được chứng minh bằng khoa học (đã vượt qua các thử nghiệm khoa học cần thiết tùy thuộc lĩnh vực, được chứng minh bằng thực nghiệm hoặc được đánh giá rộng rãi).

- Ứng viên hợp lệ là những nhà khoa học hoặc nhà phát minh đã và đang tham gia vào quá trình phát triển công nghệ hoặc giải pháp, không bao gồm các doanh nhân hoặc doanh nghiệp tham gia vào quá trình thương mại hóa hoặc phổ biến công nghệ được đề cử.

- Các sản phẩm cuối cùng của nghiên cứu phải có tiềm năng mang lại lợi ích cho mọi người trên toàn cầu, bao gồm những nước đang phát triển, cũng như các cộng đồng có thu nhập thấp và thiệt thòi.

- Dành cho các cá nhân hoặc nhóm các nhà nghiên cứu, nhà phát minh.

- Ưu tiên những ứng viên vẫn đang tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, sáng chế.

- Một cá nhân, nhóm có thể được đề cử cho một hoặc nhiều giải Đặc biệt của giải thưởng VinFuture nếu đủ điều kiện.

- Nghiên cứu, giải pháp, sáng chế được đề cử có thể thuộc bất kỳ chuyên ngành nào của khoa học, kỹ thuật hoặc công nghệ, bao gồm cả các phương pháp tiếp cận liên ngành.