Quan sát siêu trăng lớn nhất trong vòng 70 năm qua bằng cách nào?
(Dân trí) - Bạn hãy ra khỏi thành phố, tránh xa các ánh sáng khác và quan sát khi mặt trăng bắt đầu xuất hiện ở chân trời Một siêu trăng hiếm hoi sẽ thắp sáng bầu trời đêm 13 và 14 tháng 11, khi vệ tinh tự nhiên này đạt khoảng cách gần Trái đất hơn bao giờ hết trong thời kỳ 70 năm gần đây.
Lần gần đây nhất mặt trăng tròn trông lớn nhất và sáng nhất như vậy được cho là từ tháng 1 năm 1948. Vì mặt trăng quay quanh Trái đất theo quỹ đạo hình bầu dục, nên đôi khi nó sẽ tiến gần Trái đất hơn những lúc khác.
Khi mặt trăng ở gần Trái đất nhất, trạng thái này được gọi là điểm cực cận, và khi ở xa nhất là đạt điểm cực viễn.
Khi ở điểm cực cận vào 14/11, mặt trăng sẽ tiến gần trái đất nhất trong vòng 70 năm qua, trông lớn hơn 14%, và sáng hơn 30% so với mặt trăng ở kích thước thông thường.
Trăng tháng 11 còn được gọi là Trăng Hải Ly hay Trăng Rét. Tên gọi Trăng Hải Ly hay Trăng Rét được người Mỹ bản địa đặt tên theo sự kiện thường xảy ra trong tháng. Tháng 11 là thời gian để đặt bẫy những con hải ly trước khi nước bắt đầu đóng băng toàn bộ. Cũng có một cách giải thích khác về tên gọi này, đó là lúc này, loài hải ly hoạt động rất tích cực để chuẩn bị cho mùa đông đang đến.
NASA cho biết “siêu trăng ngày 14/11 không chỉ là khi mặt trăng ở vị trí gần trái đất nhất trong năm 2016, mà còn là trong thế kỷ 21. Cho tới 25/11/2034, mặt trăng mới lại tiến tới tới khoảng cách gần Trái đất như vậy”
Vậy làm thế nào để quan sát siêu trăng lần này?
Bạn hãy cố đến một nơi nào đó thật tối, vì các ánh sáng khác có thể làm giảm độ sáng của mặt trăng và sẽ khó quan sát hơn. Tốt nhất là bạn nên ra khỏi thành phố và ngắm nhìn sự kiện hiếm hoi này ở khu vực nông thôn.
Các nhiếp ảnh gia khuyên rằng, mọi người nên tải về các ứng dụng và bản đồ để theo dõi dường đi dự kiến của mặt trăng trên bầu trời, ngay cả khi bạn không có nhu cầu chụp ảnh thì việc này cũng rất giá trị vì bạn có thể biết được ở đâu và khi nào sẽ có thể quan sát tốt nhất.
Bạn hãy cố gắng quan sát ngay khi mặt trăng vừa tiến tới đường chân trời, lúc này nó sẽ tạo ra một ảo ảnh quang học làm cho mặt trăng trông còn lớn và đẹp mắt hơn nữa.
Và, nếu bạn bỏ lỡ sự kiện hiếm hoi này, hoặc bị những đám mây cản trở tầm nhìn, thì cũng không nên quá rầu rĩ vì còn có 1 siêu trăng nữa sẽ diễn ra vào ngày 14/12 – mặc dù mặt trăng khi đó cũng sẽ không được lớn như siêu trăng lớn nhất của thế kỷ 21 – nhưng cũng là 1 trong 3 siêu trăng của năm 2016.
Anh Thư (Tổng hợp)