Quân đội Israel dùng AI biến Dải Gaza thành vùng đất chết chóc như thế nào?
(Dân trí) - Kế hoạch tấn công tự động sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) do IDF hoặc các công ty tư nhân của Isreal phát triển, được sử dụng để tiến hành một cuộc chiến "tổng lực" ở Gaza.
Các chuyên gia đánh giá, việc Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) sử dụng AI để tấn công vào Dải Gaza đã biến khu vực này thành một trong những nơi có sức tàn phá và chết chóc nhất thế kỷ 21, nó được ví như "nhà máy ám sát hàng loạt".
Tích hợp AI trong các cuộc không kích ném bom vốn thuộc về khoa học viễn tưởng, giờ đây đã trở thành hiện thực. Chiến dịch không kích chưa từng có do IDF thực hiện trên Dải Gaza kể từ ngày 7/10 đã sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo trong các cuộc tấn công.
Quân đội Israel chính thức tuyên bố điều này trên phương tiện truyền thông của mình.
IDF tuyên bố "chiến tranh AI"
Lực lượng Phòng vệ Israel sử dụng công nghệ AI trong quân sự đã được ghi nhận nhiều lần. Vào năm 2021, sau chiến dịch ném bom kéo dài 11 ngày vào Dải Gaza, tờ Jerusalem Post đưa tin rằng: "IDF tuyên bố đã lãnh đạo "cuộc chiến tranh AI" đầu tiên, sử dụng một số công cụ thuật toán nhằm tối ưu hóa các cuộc tấn công trên thực địa".
Nhật báo Israel sau đó đã đặt tên cho ba thuật toán này là Alchemist, Gospel và Depth of Wisdom. Một hệ thống khác là Fire Factory, được giới truyền thông Bloomberg nhắc đến vào tháng 7 cũng được IDF sử dụng.
Trong bối cảnh quân sự diễn ra ngày càng leo thang, AI được IDF sử dụng để phân tích một lượng lớn dữ liệu từ tình báo hoặc hậu cần trong một số trường hợp nhất định. Từ đó, nó nhanh chóng ước tính tác động những kế hoạch chiến lược khả thi khác nhau.
Đặc biệt, hai công cụ được cho là IDF đã sử dụng trong các cuộc tấn công kể từ ngày 7/10 vào Dải Gaza là Gospel và Fire Factory.
Gospel nhằm mục đích đề xuất các mục tiêu phù hợp nhất cho một cuộc tấn công, ở chu vi nhất định và Fire Factory được sử dụng để tối ưu hóa kế hoạch tấn công của máy bay và máy bay không người lái (UAV) trong thời gian thực, tùy thuộc vào tính chất mục tiêu được chọn.
Thuật toán AI sẽ chịu trách nhiệm tính toán số lượng đạn dược cần thiết, chỉ định mục tiêu cho các máy bay và UAV hoặc xác định thứ tự phù hợp cho cuộc tấn công.
Theo Bloomberg, hệ thống trí tuệ nhân tạo của quân đội Israel được phát triển bởi chính quân đội, cũng như từ các tổ chức tư nhân, chẳng hạn như công ty quốc phòng Rafael đã cung cấp thuật toán AI Fire Factory cho nhà nước.
Rafael thậm chí còn có nhiều công cụ thuật toán khác mà công ty này miêu tả: "Nó mang tính cách mạng trong việc phân tích những tình huống trong xung đột, cho phép quân đội đạt được hiệu quả, tốc độ và độ chính xác chưa từng có".
Từ 50 mục tiêu mỗi năm đến 100 mục tiêu mỗi ngày
Dù quân đội sử dụng công cụ trí tuệ nào cho các cuộc không kích, chúng đều được giám sát bởi những trung tâm điều hành và các tướng lĩnh sẽ xác minh, phê duyệt cả mục tiêu và kế hoạch đột kích trước khi AI thực hiện tấn công.
Nói cách khác, các hệ thống này sẽ không trực tiếp đưa ra quyết định tấn công, mặc dù một phần của quy trình này sẽ được tự động hóa.
Đại diện của lực lượng vũ trang Israel chia sẻ với Bloomberg, các giải pháp công nghệ này được phát triển với giả thuyết tiến hành một cuộc chiến tổng lực.
Theo media +972 , việc sử dụng AI đã giải thích, tại sao quân đội Israel có thể ném bom Dải Gaza với tốc độ chóng mặt như vậy, lên đến 15.000 mục tiêu chỉ trong 35 ngày tấn công đầu tiên.
Trong một thông cáo báo chí được công bố vào đầu tháng 11, IDF thừa nhận rằng Gospel cho phép họ tự động tạo ra mục tiêu với tốc độ chóng mặt.
Cựu tham mưu trưởng quân đội Israel, Aviv Kochavi giải thích: "Trong cuộc chiến năm 2021, Gospel đã tạo ra 100 mục tiêu mỗi ngày. Để so sánh điều đó, trước đây chúng tôi chỉ tấn công 50 mục tiêu ở Dải Gaza mỗi năm".
Trong các hoạt động quân sự này, một nửa số mục tiêu mà AI gợi ý đã bị tấn công. Với tốc độ nhanh chóng mà thuật toán đề xuất các mục tiêu mới để đánh bom, các cựu sĩ quan tình báo chỉ trích quy trình này giống như một "nhà máy ám sát hàng loạt".
Cái giá phải trả để bắn trúng mục tiêu
Tổn thất về dân sự là một trong những yếu tố mà Gospel tính đến để xác định các mục tiêu mới.
Quân đội Israel có thông tin về phần lớn các mục tiêu tiềm năng ở Dải Gaza nhờ AI, đặc biệt nó giúp họ có thể ước tính số lượng dân thường có thể thiệt mạng trong trường hợp nó nhận lệnh công kích.
Tuy nhiên, một nguồn tin khác được truyền thông Israel phỏng vấn, kể từ ngày 7/10, số thường dân thiệt mạng mà bộ chỉ huy quân sự Israel cho là chấp nhận được (trong một cuộc tấn công vào thủ lĩnh của lực lượng Hamas) đã tăng từ hàng chục lên hàng trăm người.
"Đây là cái giá phải trả để bắn trúng mục tiêu. Chúng tôi không phải là lực lượng Hamas. Tất cả đều là cố ý, chúng tôi biết chính xác có bao nhiêu thiệt hại tài sản và người trong mỗi ngôi nhà chúng tôi tấn công", một nguồn tin mật cho biết.
Độ tin cậy
Ngoài việc tăng cường các cuộc tấn công được kích hoạt bởi AI, còn có câu hỏi về chất lượng của dữ liệu tình báo làm cơ sở cho các phân tích.
Vào năm 2020, một cuộc điều tra từ nhật báo The Independent của Anh, trích dẫn các nhân viên quân sự Israel, chỉ ra những sai sót trong các mục tiêu bị nhắm tới bởi các vụ đánh bom của Không quân Israel. Nếu dữ liệu này không chính xác, lỗi thời hoặc sai thì các đề xuất từ AI sẽ không có giá trị chiến lược.
Theo các chuyên gia, những đề xuất hay lựa chọn mục tiêu từ AI trong các cuộc không kích được truyền đến trung tâm điều hành để xin lệnh tác chiến khiến những tướng lĩnh quân đội gặp không ít khó khăn.
Họ không thể biết đến hàng nghìn chi tiết vô hình do AI thực hiện, phân tích để có thể tin cậy vào những mục tiêu này. Dễ hiểu hơn, việc sử dụng các thuật toán này khiến quân đội khó hiểu hoặc khó biện minh hơn cho các quyết định của mình.