Phương pháp chụp X-quang xoang trán tiết lộ số tuổi của trẻ
(Dân trí) - Một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học North Carolina, Hoa Kỳ vừa phát hiện ra một công cụ mới hỗ trợ hiệu quả cho công tác xác định tuổi của trẻ đã qua đời dựa trên những đặc điểm, dấu vết còn lưu lại trên xương của chúng.
Phát hiện mới được đánh giá là hữu ích đối với những nhà nhân chủng học, nhà nghiên cứu bệnh học cũng như các nhà khoa học. Giáo sư Ann Ross - người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết bà cùng các cộng sự đã phát hiện ra sự thay đổi rõ rệt về đặc điểm cấu tạo của xoang trán - là hai hốc xương rỗng nằm trong xương trán, ở vị trí phía trước hộp sọ - trong suốt thời thơ ấu của trẻ, đặc biệt hơn, những thay đổi đó hầu như ứng với độ tuổi của trẻ.
Trong quá trình thử nghiệm, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích hình ảnh tia X của 392 trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau - độ tuổi trong khoảng thời gian từ giữa tuổi thơ ấu cho đến khi trưởng thành (18 tuổi) - nhằm mục đích thiết lập các giai đoạn khác nhau trong quá trình phát triển ở trẻ.
Nhóm nghiên cứu cho biết hình ảnh của xoang trán không thể hiện trên hình ảnh chụp tia X do trẻ em ở lứa tuổi dưới 6 tuổi chưa hình thành xoang trán. Họ gọi giai đoạn này là Giai đoạn 0.
Giai đoạn tiếp theo là Giai đoạn 1, kéo dài trong độ tuổi từ 6 đến 8 tuổi (độ tuổi trung bình là 6,5 tuổi). Trong giai đoạn này, xoang trán bắt đầu hình thành hai hốc xương rỗng nhỏ ở vị trí đối xứng hai bên, phía sau trán.
Giai đoạn 2 là khoảng thời gian khi trẻ đạt từ 7 đến 10 tuổi (độ tuổi trung bình là 8 tuổi), khi đó, xoang vẫn chỉ là hai hốc nhỏ riêng biệt, tuy nhiên, bắt đầu từ giai đoạn này hai hốc xương có xu hướng phát triển tăng dần về kích thước và dần kết hợp lại với nhau.
Ở Giai đoạn 3 hay còn gọi là giai đoạn Cuối cùng - thời gian giữa độ tuổi 12 và 18 (tuổi trung bình là 16 tuổi), hai hốc rỗng sẽ phát triển kết hợp lại với nhau.
Ross cho biết: "Nghiên cứu là một bằng chứng khái niệm cho thấy kỹ thuật chụp X-quang xoang trán được thực hiện trên thi thể trẻ vị thành niên đã qua đời là một phương pháp hoàn toàn không gây xâm lấn, giúp ước tính và xác định độ tuổi của trẻ tại thời điểm tử vong. Giải pháp mới càng trở nên có ý nghĩa đặc biệt đối với những trường hợp thi thể của thanh thiếu niên ở tình trạng không còn nguyên vẹn".
Các nhà khoa học khẳng định kỹ thuật này hoàn toàn có thể được áp dụng để xác định tuổi của trẻ em khi đã ở độ tuổi vị thành niên mà vẫn chưa được thực hiện đăng ký khai sinh.
Bài báo về kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí The Anatomical Record.
P.K.L-NASATI (Theo Newatlas)