1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Phụ gia thực phẩm có thể gây ra ung thư đại trực tràng

(Dân trí) - Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Đại học Georgia - Atlanta cho hay, chất nhũ hoá gây ra sự thay đổi trong các microbiome, làm mất sự cân bằng trong các tế bào biểu mô ruột và việc thay đổi các thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột gây viêm cấp thấp, thúc đẩy ung thư đại trực tràng.

Trong số các loại ung thư ảnh hưởng đến cả nam giới và phụ nữ, ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ 3 ở Hoa Kỳ và là nguyên nhân thứ 2 dẫn đến tử vong liên quan đến ung thư. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng Ngừa bệnh (CDC), 136.119 người Hoa Kỳ được chẩn đoán bị ung thư đại trực tràng ở năm 2013. Nguy cơ phát triển bệnh này bao gồm các bệnh viêm đường ruột (IBD), chẳng hạn như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng. Bệnh viêm đường ruột và ung thư đại trực tràng có điểm chung là sự thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột.

Phụ gia thực phẩm có thể gây ra ung thư đại trực tràng - 1

Trưởng nhóm nghiên cứu Tiến sĩ Emilie Viennois cùng các đồng nghiệp đến từ Đại học bang Georgia - Atlanta, đã kiểm tra tác động của việc thay đổi chế độ ăn uống ở chuột và các khối u ung thư phát triển. Họ tin rằng có một mối liên hệ giữa phụ gia thực phẩm phổ biến làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột và ung thư đại trực tràng.

Có hơn 100 nghìn tỷ vi sinh vật sống trong ruột gồm vi khuẩn, vi rút và nấm. Các vi sinh vật được tạo ra bằng sự tương tác từ sinh lý học tương tác giữa vi sinh vật vật chủ và một yếu tố đến từ môi trường. Các vi sinh vật giành được sự sống trong suốt giai đoạn đầu tiên và thay đổi tùy theo mỗi cá thể. Có một hệ vi sinh vật đa dạng và cân bằng rất quan trọng trong việc giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.

Thay đổi hệ vi sinh vật hoặc như là kết quả của sự thay đổi chế độ ăn uống, lối sống, hoặc do nhiễm trùng, có thể làm thay đổi mối quan hệ cộng sinh giữa vi sinh vật chủ và yếu tố môi trường dẫn đến viêm ruột. Bệnh viêm đường ruột thúc đẩy sự hình thành các khối u ở kết tràng. Viêm thấp cấp trong đó liên quan đến những thay đổi trong hệ vi sinh vật và bệnh chuyển hóa, cũng đã được quan sát thấy trong nhiều trường hợp ung thư đại trực tràng.

Các nghiên cứu trước đây đã đưa ra giả thuyết kể từ giữa thế kỷ 20, chế độ ăn uống có chất nhũ hóa có thể được cho là nguyên nhân của bệnh viêm đường ruột. Các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu tại phòng thí nghiệm, họ cho chuột ăn hai phụ gia phổ biến nhất, kết quả cho thấy chứng viêm cấp thấp, hội chứng béo phì/chuyển hóa ở chuột là do nồng độ thấp của hai chất nhũ hóa - carboxymethylcellulose và polysorbate-80. Các liều lượng đã được nhân rộng để phản ánh tỷ lệ các chất nhũ hóa thường được bổ sung vào thực phẩm chế biến cho con người. Và một lượng nhỏ chất nhũ hóa làm thay đổi nghiêm trọng các thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột và như vậy thúc đẩy viêm và tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ung thư.

Sau khi bị thay đổi chất nhũ hóa gây cảm ứng, vi khuẩn trong ruột xuất hiện nhiều hơn flagellin và phân tử phức tạp (lipopolysaccharide). Hai chất này kích hoạt biểu hiện gen gây viêm trong hệ thống miễn dịch. Chất nhũ hóa không chỉ làm thay đổi môi trường hệ sinh vật vùng gây viêm mà còn làm mất cân bằng giữa sự gia tăng của tế bào và tế bào chết, tăng cường sự phát triển của khối u.

Thông thường ruột được bảo vệ từ một loạt các vi khuẩn có hại thông qua các cấu trúc dịch nhầy bao phủ ruột, giữ cho vi khuẩn có hại rời xa tế bào biểu mô lót đường ruột. Nhưng dường như chất nhũ hóa để giúp vi khuẩn vận chuyển qua tế bào biểu mô. Chất nhũ hóa là các phân tử giống như chất tẩy rửa được cho thêm vào các thực phẩm đã chế biến và chúng được sử dụng để giúp nước và dầu hỗn hợp, làm cho thực phẩm khi chế biến có bề mặt mịn.

Nghiên cứu này chứng minh rằng chất nhũ hóa gây ra sự thay đổi trong các microbiome, làm mất sự cân bằng trong các tế bào biểu mô ruột và việc thay đổi các thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột gây viêm cấp thấp, thúc đẩy ung thư đại trực tràng.

Đ.T.V-NASATI (Theo medicalnewstoday)