1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam "điểm danh" 10 mong muốn của các Startup Việt

(Dân trí) - “Chúng ta cứ nói quốc gia khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo… nhưng cụ thể cần phải làm gì thì rất nhiều người chưa biết. Chính vì thế tôi đề nghị các bộ, ngành, các cơ quan cùng nhau hành động để cho những chủ trương của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ thành hiện thực” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ tại Lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Không cần giấy, bút, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã “tay bo” phát biểu khoảng gần 15 phút trong Lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sáng nay (12/11), ông đã khái quát được các nét cơ bản nhất về những khó khăn của cộng đồng khởi nghiệp mong muốn tháo gỡ để từ đó có thể bứt phá lên.


Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam

Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đương nhiên là mũi nhọn cần tập trung

Mở đầu bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ: Hôm nay tôi rất là phấn khởi tham dự Ngày hội này bởi vì tôi thấy so với năm ngoái không khí ngày hội đông vui hơn rất nhiều. Qua việc tham quan các gian hàng, tôi thấy thực sự không khí khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nhận thấy có sự lan tỏa rất tốt. Thay mặt chính phủ , tôi cảm ơn các quốc gia, các tổ chức quốc tế đã đồng hành hỗ trợ cùng Việt Nam trong suốt quá trình phát triển khoa học công nghệ, phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là trong phòng trào khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tôi xin chào mừng tất cả các bạn, những người đại diện cho các Quỹ đầu tư, các nhà đầu tư thiên thần, các nhà tư vấn, đặc biệt các bạn đã đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng và những bạn đang mong muốn ấp ủ sẽ có ý tưởng, có bước đi khởi nghiệp sáng tạo. Tôi nghĩ rằng, chúng ta đều đã nghe nhiều sự quan tâm chú trọng của Chính phủ, của cá nhân của đồng chí Thủ tướng để làm sao thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn, hướng tới mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Chính phủ đã ra nhiều văn bản, có nhiều hành động để trợ giúp doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh. Đấy là doanh nghiệp và kinh doanh nói chung.

“Đối với cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, từ năm 2003-2004, chúng ta đã có khái niệm doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng sau này chúng ta sử dụng từ khởi nghiệp với một nghĩa khác, ví dụ bắt đầu kinh doanh cho doanh nghiệp nói chung. Bây giờ chúng ta sử dụng một khái niêm chung gọi là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng (còn gọi là startup). Giúp doanh nghiệp nói chung thì có nhiều rồi và đương nhiên tất cả các Nghị quyết 19, 35 của Chính phủ và các hành động giúp doanh nghiệp cũng là giúp cộng đông doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là cộng đồng thường tạo ra những sản phẩm mới, những phân khúc thị trường mới, khách hàng mới bằng những công nghệ, ý tưởng mới chưa từng có. Vì vậy thường liên quan tới công nghệ, đặc biệt là CNTT. Vì nó thông qua hệ thống mạng nên sẽ không có tính biên giới” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích.

Từ thực tế đó, Phó Thủ tướng gợi ý: Với cộng đồng này liệu chúng ta có thể có giải pháp giúp cộng đồng được ưu tiên phát triển nhanh hay không? Bởi vì doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thường gắn với rủi ro nhưng khi thành công sẽ có những giá trị rất lớn, có sức cạnh tranh rất cao, có tính đột phá. Vì thế, một nền kinh tế như Việt Nam nếu muốn tăng tốc phát triển, muốn thu hẹp khoảng cách thì đây đương nhiên là mũi nên tập trung.

10 vấn đề Phó Thủ tướng đặt ra cho các bộ ngành

“Chúng ta cũng được nghe rất nhiều kể cả những thuật ngữ rất là lớn như là Quốc gia khởi nghiệp; Vươn ra biển lớn… tôi xin không nói đến điều đó. Tôi cũng đã tiếp xúc tìm hiểu và truyện trò với một số bạn, hôm nay có rất nhiều cơ quan đại diện của Nhà nước, của các doanh nghiệp và của các Quỹ, tôi xin mạnh dạn thử nói điều mà tôi cảm nhận mà cộng đồng khởi nghiệp của chúng ta mong muốn gì để bứt phá lên được” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đảm mở màn cho việc đưa ra 10 vấn đề cần phải xem xét để cộng đồng khởi nghiệp có thể bứt phá lên được.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói về cảm nhận mà cộng đồng khởi nghiệp đang mong muốn. Sự chia sẻ thẳng thắn của Phó Thủ tướng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các startup tham dự.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói về cảm nhận mà cộng đồng khởi nghiệp đang mong muốn. Sự chia sẻ thẳng thắn của Phó Thủ tướng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các startup tham dự.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các startup rất cần có nhiều nguồn vốn đầu tư, có nhiều nhà đầu tư thiên thần, có cơ chế tài chính trung gian để thu hút vốn của cộng đồng, vì vốn là cần nhất. Điều đó có nghĩa là các startup mong muốn làm sao các thủ tục chứng nhận đầu tư, thủ tục để thành lập Qũy và thủ tục công nhận Quỹ được thuận lợi hơn.

Thứ 2, Startup cũng mong muốn Chính phủ, Trung ương, ban ngành và các cấp cũng dành quỹ đầu tư . Những quy đầu tư này có thể đầu tư song hành với các Quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần để tạo điều kiện cho các DN khởi nghiệp phát triển

Thứ 3, đặc điểm của các startup thường liên quan đến CNTT và online trên mạng nên rất sợ các kiểu “giấy phép con” liên quan đến online trên mạng. Một trong những lý do đó là vì những cái này pháp luật quy định rõ hoặc nó nhạy cảm vì liên quan đến an ninh, an toàn cho nên rất là khó khăn.

Thứ 4, bảo vệ sở hữu trí tuệ thì doanh nghiệp nào cũng muốn, nhất là các doanh nghiệp về công nghệ. Chính vì thế các startup mong muốn thủ tục rất nhanh và thông thoáng. Đặc biệt là có cơ chế để giúp các startup biết rất nhanh những công nghệ nào, những sở hữu trí tuệ nào đã được bảo hộ rồi để cho các startup khỏi mất công, mất sức vào những cái đó mà chỉ đi tìm để mà ứng dụng thôi.

Thứ 5, Các doanh nghiệp này rất cần sự hỗ trợ ban đầu để vào thị trường. Ví dụ các ứng dụng y tế thì làm sao để vào được các bệnh viện. Những chương trình trọng điểm và những sản phẩm trọng điểm cấp nhà nước chỉ là một phần thôi. Điều quan trọng là rất muốn Nhà nước tôn trọng để những sản phẩm ban đầu này có thể vào thị trường. Muốn bán các sản phẩm này ra nước ngoài thì đầu tiên nó phải ra được ở thị trường trong nước. Vấn đề không cần nguồn tiền nhiều mà chủ yếu cần sự chỉ đạo của các bộ, ngành, chính quyền địa phương.

Thứ 6, khi nói đến đến thuế thì thường nhắc đến thuế doanh thu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân nhưng quan trọng nhất đối với cộng đồng này là thuế khi chuyển nhượng vốn và cơ chế về thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp này cũng như doanh nghiệp nói chung đầu tư cho nghiên cứu và triển khai.

Thứ 7, các startup rất muốn được tạo điều kiện để có những góc, có những chỗ không gian sáng tạo, không gian làm việc chung. Hoặc Nhà nước, các bộ ngành làm hoặc chỉ đạo các trường đại học làm. Hoặc giúp đỡ các startup có chỗ làm việc, hoạt động thuận lợi để ở đó các startup trong cộng đồng gặp nhau, gặp các nhà đầu tư thiên thần, các khách hàng tiềm năng, và đặc biệt là các nhà tư vấn. Cái này chúng ta đã có chỉ đạo và một số nơi các trường ĐH cũng bắt đầu triển khai nhưng cần phải làm quyết liệt và đẩy mạnh hơn nữa.

Thứ 8, startup thường khởi đầu nhỏ không có tiềm lực cho nên không có điều kiện để cọ sát với thị trường và luật pháp quốc tế nên rất muốn có sự hỗ trợ về tư vấn. Họ muốn được tư vấn pháp lý miễn phí giúp cho cộng đồng này để các startup yên tâm bước vào việc đưa ý tưởng của mình vào khởi nghiệp.

Thứ 9, liên quan đến các trường đại học, ngoài việc tạo không gian chung như tôi nói ở trên, các startup rất muốn đẩy mạnh nghiên cứu trong trường đại học, kết nối trường đại học với viện,viện với doanh nghiệp, đưa không khí, tinh thần khởi nghiệp chung vào ngay từ trường đại học từ đó không chỉ cung cấp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp mà còn là những người khởi nghiệp tiềm năng. Như vậy vai trò của các trường đại học rất là quan trọng.

Thứ 10, doanh nghiệp làm ra nhưng có mong muốn có khách hàng lớn, như ứng dụng giao sản phẩm sạch, kết hợp với sản phẩm dạy nấu ăn thì phải kết hợp với doanh nghiệp có chuỗi phân phối sản phẩm lớn. Nhà nước làm thế nào để khuyến khích có các tập đoàn lớn, và điều quan trọng hơn là các các doanh nghiệp sau này sẵn sàng mua lại toàn bộ doanh nghiệp của startup để các startup có vốn tiếp tục cho ý tưởng khởi nghiệp mới.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nâng cao ngọn đuốc, tiếp lửa cho phong trào đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nâng cao ngọn đuốc, tiếp lửa cho phong trào đổi mới sáng tạo Việt Nam.

“Các bộ/ngành hãy bằng những văn bản, bằng những sự chỉ đạo thật cụ thể để tháo gỡ cho cộng đồng startup. Có làm như vậy thì những tinh thần mà chúng ta vẫn nói như quốc gia khởi nghiệp, đi ra biển lớn… mới có thể trở thành hiện thực được. Tránh để tình trạng giống như trước đây chúng ta nói công nghiệp hóa-hiện đại hóa mà không hiểu cụ thể là gì và đến bây giờ chúng ta nói quốc gia khởi nghiệp, hay khởi nghiệp sáng tạo nhưng cụ thể phải làm gì thì rất nhiều người chưa rõ” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Nguyễn Hùng